Kinh doanh bánh mì vỉa hè: Bí quyết để thành công
Có hàng trăm lý do để bánh mì trở thành món ăn đường phố nổi tiếng và cũng sẽ có hàng trăm công thức khác nhau của mỗi tiệm bánh mì, từ bánh mì thịt, bánh mì trứng…
- 20-07-2020Con gái “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực và bước ngoặt chiến lược tại ABC Bakery
- 04-03-2020Báo Mỹ: Bánh mì thanh long chỉ là sự khởi đầu, sứ mệnh lớn hơn của ABC Bakery là quảng bá các nguyên liệu địa phương của Việt Nam
- 01-03-2020Đà Nẵng lọt top 25 điểm đến thịnh hành trên thế giới, nhận lời khen về bánh mì và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn
Nếu nhắc về bánh mì thì có quá nhiều điều để nói: từ mức độ ngon, phổ biến đến mức nổi tiếng thế giới mà đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain đã ca ngợi rằng đây là "loại bánh ngon nhất thế giới".
Bánh mì là món ăn đường phố dân dã và rất quen thuộc ở Việt Nam và đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh. Với giá chỉ 10.000 – 15.000 – 20.000 đồng, bạn đã có thể có một bữa sáng no nê, bữa trưa nhanh gọn hay bữa xế ấm bụng. Chính vì sự dân dã, quen thuộc này đã làm nên nét đặc biệt của nhiều quán bánh mì tại TP Hồ Chí Minh.
Có hàng trăm lý do để bánh mì trở thành món ăn đường phố nổi tiếng. Và cũng sẽ có hàng trăm công thức khác nhau của mỗi tiệm bánh mì: từ bánh mì thịt, bánh mì trứng, bánh mì chả cá... Một xe bánh mì ngay sát vỉa hè nhưng có thể bán từ sáng đến đêm hàng trăm ổ mỗi ngày, nuôi sống được cả gia đình. Người thành công tất nhiên, phải chọn lối đi riêng.
Bà Đinh Thị Thu Thảo, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tại vì bánh mì thịt thì giống nhau hết, bánh mì chả cá thì có nước mắm kẹo, nước mắm rất đậm đà, nó trở nên rất là lạ".
Bánh mì không chỉ nuôi sống được cả gia đình như bà Thảo, thậm chí nó còn nuôi được cả nhiều thế hệ. Ông Hồ Quốc Dũng là đời thứ 3 của một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn - tiệm bánh mỳ Bảy Hổ. Thương hiệu gia truyền bắt đầu chỉ từ thùng bánh mì của ông ngoại vào những năm 30 của thế kỷ trước. Giờ đã ngót ngét gần cả thế kỷ kinh doanh bánh mì, anh Dũng vẫn giữ bí quyết của gia đình là chất lượng: từ nguyên liệu đến vỏ bánh.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết: "Ông ngoại đặt tên cho xe bánh mì chứ không phải ai trong gia đình tên là Bảy Hổ. Khi tôi được đặt tên lên chương trình truyền hình nước ngoài, tôi thấy tự hào và muốn giới thiệu món ăn ra thế giới. Thực ra cái tên không quan trọng bằng chất lượng".
Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn từ đầu thế kỷ 19, xuống Nam Kỳ lục tỉnh, ra miền Bắc, sau phổ biến trên toàn quốc... và giờ thành một món thường xuyên xuất hiện trong các bảng bình chọn quốc tế.
Người ta bảo, có thể coi bánh mì là món ăn "tất cả trong một", thể hiện triết lý dung hợp, linh hoạt của người Việt Nam. Và có lẽ, cũng chính vì vậy dù là một gánh hàng rong, một tủ kính, hay một kios chỉ vài mét vuông, bánh mì cũng có thể chứa đựng một câu chuyện kinh doanh khởi nghiệp hay truyền thống buôn bán qua nhiều thế hệ của một gia đình.
VTV.VN