Kinh doanh casino, đặt cược: Bỏ tư duy không quản được thì cấm
Theo các chuyên gia kinh tế, đại diện bộ ngành, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam có dư địa phát triển lớn. Nếu được khai thác tốt, lĩnh vực này có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm. Do đó cần có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, không nên không quản được thì cấm.
- 17-08-2018Đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh casino, đặt cược bóng đá
- 18-01-2018Giám sát thu thuế đối với kinh doanh casino
- 31-08-2017Bộ Tài chính: Cơ sở kinh doanh casino phải bố trí địa điểm với trang thiết bị cần thiết để cơ quan thuế giám sát
Cả nước có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp” sáng 23/6, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư, cho biết ở Việt Nam, đầu năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực vui chơi có thưởng được hoàn chỉnh ở cấp Nghị định của Chính phủ.
Theo đó, 3 loại hình vui chơi có thưởng được phép kinh doanh gồm: đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT) dành cho người nước ngoài.
Đến nay, cả nước có 8 doanh nghiệp (DN) kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT) và một DN kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động với tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia chia sẻ về dư địa phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng
Theo ông Tuấn, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Đây là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn. Theo các chuyên gia, nếu được khai thác tốt có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài.
Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng đầu tư nước ngoài (Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết đối với lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh thu cả nước năm 2019 đạt 13.248 tỷ đồng tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần so với năm 2013, thị trường này tăng trưởng đều qua các năm.
Tuy nhiên theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, hiệu quả kinh tế này là chưa cao do 3 nguyên nhân gồm: Đối tượng đang hướng đến là cho người nước ngoài; Chúng ta chưa coi đây là ngành kinh doanh chính và doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách ưa thích lĩnh vực này.
TS.Cấn Văn Lực chia sẻ bên lề hội thảo
Phát triển vui chơi giải trí có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam được xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới (theo Tổ chức du lịch thế giới - UNWTO). Năm 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 768,5 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD) gấp 573 lần năm 1990, gấp 13 lần năm 2008; đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP là 9,2%.
Cùng với đó, đóng góp gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP thông qua tạo việc làm, xuất khẩu tại chỗ và tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương. Có nghĩa rằng, sự lan tỏa về du lịch tại Việt Nam tăng 1,5 lần. Tuy nhiên, ông Lực đánh giá, so với quốc tế vẫn còn tương đối thấp và cần lan tỏa tốt hơn.
“Tôi nhấn mạnh tồn tại trong du lịch Việt Nam, đó là chưa có sản phẩm dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí đa dạng phong phú”, ông Lực nói.
Ông Lực cho rằng, ở Việt Nam vẫn còn tư duy là cái gì không quản lý được thì cấm, do đó cần phải thay đổi tư duy này. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách để phát triển vui chơi giải trí có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải nghiên cứu, xây chiến lược, chính sách phát triển vui chơi có thưởng gắn với du lịch và kinh tế ban đêm một cách bài bản, chuyên nghiệp gắn với cách thức quản lý chặt chẽ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế như Trung Quốc Singapore, Malaysia.
“Xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đối với các hoạt động vui chơi giải trí; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật các hoạt động vui chơi có thưởng đảm bảo sự phát triển của các hoạt động vui chơi có thưởng phát triển đúng hướng, góp phần thúc đẩy du lịch, không bị biến tướng, gây rủi ro; Bổ sung trường đua ngựa, đua chó, các khu vui chơi có thưởng… vào quy hoạch của các thành phố/điểm du lịch”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo chuyên gia này, Chính phủ nên cho làm thí điểm, cho làm một số hoạt động trước như đua ngựa, đua chó, hoặc trước mắt là chọi trâu.
Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng, cần phải có cơ chế, động lực khuyến khích các nhà đầu tư, chẳng hạn ưu đãi về đất đai, thuế. Cùng với đó là tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, an ninh, quản lý.
Tiền phong