Kinh doanh 'lao dốc', ngành dệt may đặt kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm
Báo cáo tài chính quý 3/2023 của 29 doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi, 8 doanh nghiệp lỗ và 18 doanh nghiệp giảm lãi. Phía sau chỉ số này là hàng ngàn lao động ngành dệt may mất việc. Kỳ vọng phục hồi của dệt may được kỳ vọng vào cuối năm khi mùa mua sắm đến.
- 10-11-2023Khi cả chùm DN lớn rớt lãi, một công ty dệt may bất ngờ báo lợi nhuận tăng mạnh, số lao động dự kiến tăng lên tới 8.000 người
- 08-11-2023Đơn hàng dệt may chỉ đủ trang trải lương lao động 6 triệu đồng/tháng
- 06-11-2023Khi nhiều "đồng nghiệp" sa thải công nhân, chật vật tồn tại vì đơn hàng đứt gánh, một doanh nghiệp dệt may ở Thái Nguyên vẫn thu hơn 6.000 tỷ đồng sau 10 tháng
Khó khăn tiếp tục bủa vây lao động ngành dệt may
Bức tranh toàn cảnh tình hình kinh doanh quý 3 dần hoàn thiện khi các doanh nghiệp lần lượt công bố báo cáo tài chính của quý. Ngành dệt may tiếp tục là một trong những lĩnh vực gặp khó khăn nhất.
Theo báo cáo từ tháng 6 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 70.000 lao động ngành dệt may cả nước thôi việc, mất việc và 66.000 người bị giảm giờ làm.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số lao động mất việc trong quý 3/2023 tập trung chủ yếu ở ngành dệt may và da giày.
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt được hơn 74% so với mục tiêu 40 tỷ USD. Tình trạng thiếu đơn hàng tiếp tục là yếu tổ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong số 29 doanh nghiệp ngành dệt may công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi, 18 doanh nghiệp giảm lãi và 8 doanh nghiệp báo lỗ.
Từ đó, thị trường lao động - việc làm dệt may chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng giảm thu nhập, thậm chí mất việc xuất hiện phổ biến tại hầu hết các doanh nghiệp dệt may.
Điểm danh kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp dệt may
GMC: Từ gần 2.000 người cắt giảm còn 37 người
Một trong những "ông lớn" ngành dệt may là Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC, HOSE) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi từng có mức doanh thu tới cả ngàn tỷ tổng, lợi nhuận vài chục đến hơn trăm tỷ đồng. Từ 2022 đến nay, GMC đã lỗ quý thứ 5 liên tiếp.
Diễn biến lợi nhuận qua các quý tại CTCP Garmex Sài Gòn
9 tháng đầu năm, GMC chỉ đạt vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng doanh thu, bỏ xa con số 275,2 tỷ đồng ở cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng "âm" với 44,1 tỷ đồng.
Giải thích nguyên nhân, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, quý 3/2023, công ty không có đơn hàng, mọi doanh thu đều từ phần dịch vụ. GMC đã tiết giảm các chi phí nhưng đơn giá thuê đất tăng, góp phần làm dày thêm khoản lỗ.
Công ty đã có sự cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động đề phù hợp tình hình mới.
Nhìn vào tổng số nhân sự tại Garmex, cho thấy, công ty hiện chỉ còn 37 người. So với thời điểm đầu năm là 1.982 người, doanh nghiệp đã cắt giảm 1.945 người.
GIL lỗ gần 20 tỷ đồng trong quý 3
Chung số phận lợi nhuận "âm", CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán: GIL, HOSE) thông báo lỗ 19,7 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, giảm hơn 110% so với cùng kỳ là 128,2 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lỗ tại GIL.
Ngoài ra, GIL đã cũng cắt giảm gần 530 lao động trong 9 tháng qua.
Nguyên nhân dẫn đến biến động lợi nhuận, công ty nêu, hoạt động sản xuất quý 3 gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm khiến doanh thu sụt giảm; đồng thời, hoạt động bất động sản vẫn đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, do vậy chi phí cho mảng này tăng mạnh.
Diễn biến lợi nhuận qua các quý tại CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
EVE giảm 91% lợi nhuận
Không nối gót thua lỗ như GMC và GIL, nhưng CTCP Everpia (mã chứng khoán: EVE, HOSE) lại dẫn đầu nhóm "lao đốc" mạnh nhất khi giảm tới 91% lãi so với cùng kỳ. Lợi nhuận chưa tới 4 tỷ đồng – 3,7 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong 14 quý trở lại.
May Sông Hồng (MSH) cắt giảm gần 500 người
CTCP May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH, HOSE) ghi nhận doanh thu giảm 26,7% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm đáng kể, lần lượt là 36%, 28,2% nhưng chi phí tài chính lại tăng khoảng 2,5 lần. Kết quả, so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm mạnh từ 111,3 tỷ đồng còn 51,2 tỷ đồng.
Về mặt nhân sự, so với thời điểm đầu năm, doanh nghiệp còn 11.533 lao động sau khi cắt giảm 470 người.
Tín hiệu từ 3 "điểm sáng" trong ngành dệt may
"Điểm sáng" xuất hiện tại 3 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, đa số đều từ việc cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tổng công ty Việt Thắng – Vicotex (mã chứng khoán: TVT, HOSE) có cú bật mạnh khi tăng 160% lợi nhuận trong quý so với cùng, lên gần 2,6 tỷ đồng. Con số này nhờ vào việc doanh nghiệp đã mạnh tay cắt giảm chi phí nhân viên.
May 10 (mã chứng khoán: M10, UPCoM) cũng đã giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, cụ thể, chi phí cho nhân viên quản lý và nhân viên bán hàng đã giảm lần lượt 33% và 12,6% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận tăng 27%, đạt gần 32 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Biến động lợi nhuận quý 3/2023 tại 3 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng
Còn tại Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (mã chứng khoán: AAT, HOSE) lợi nhuận tăng trưởng 7,2% dù doanh thu giảm, cán mốc 654,6 tỷ đồng nhờ vào cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong đó, chi phí tiền lương cho nhân viên giảm 38,5%.
Ngành dệt may đã xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi, đón nhận nhiều kỳ vọng sẽ hồi phục trong quý 4 do nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh vào năm 2024, song, các dấu hiệu mới chỉ ở biên độ hẹp và còn nhiều thách thức cần đối mặt.
Phụ nữ Việt Nam