Đơn hàng dệt may chỉ đủ trang trải lương lao động 6 triệu đồng/tháng
Trong khi mức lương bình quân lao động của Vinatex trên 8 triệu đồng/tháng.
- 02-11-2023Chuỗi ngày thê thảm của 2 DN dệt may Việt Nam sau "cú đấm" của gã khổng lồ Amazon: Thua lỗ, cắt giảm gần 2.000 nhân sự, ráo riết bán tài sản
- 28-10-2023Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký
- 28-10-2023“Nút thắt” lợi nhuận DN dệt may Việt Nam: Hàng năm phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu vải và ngày càng phụ thuộc nặng
Nội dung chính:
- Với 33 công ty con và 32 công ty liên kết, việc thiếu đơn hàng trong ngành dệt may đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Vinatex trong 9 tháng đầu năm 2023.
- Giá trị đơn hàng dệt may thấp hơn so với trước, chỉ đủ để trang trải lương lao động khoảng 6 triệu đồng/tháng, trong khi lao động Vinatex đang có mức lương bình quân trên 8 triệu đồng/tháng.
- Lợi nhuận quý III của Vinatex đã giảm quá nửa so với cùng kỳ 2022.
Tình trạng thiếu đơn hàng với ngành dệt may đang đe dọa tăng trưởng của ngành, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu. Thay vì nhận đơn hàng và làm việc tăng ca, nhà máy vận hành liên tục, hiện công nhân dệt may đang lao động cầm chừng, giảm thu nhập.
Tập đoàn dệt may Việt Nam - Vinatex (UPCoM: VGT) trong báo cáo tài chính quý III/2023, cho biết đơn hàng thiếu hụt, Vinatex buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp để đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/tháng. Vinatex cũng cho biết với mức giá của các đơn hàng nhận được, thì mức lương bình quân lao động chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/tháng.
Vinatex có tổng cộng 33 công ty con và 32 công ty liên kết thuộc ngành dệt may, với tổng số trên 60.000 lao động.
Mức lương trên 8 triệu đồng/tháng thực tế đã giảm đáng kể so với năm 2022. Báo cáo thường niên 2022 của Vinatex cho biết mức lương bình quân người lao động của công ty là gần 9,7 triệu đồng/tháng, tăng 14% so với năm 2021.
Giá đơn hàng thấp trong khi tổng giá trị đơn hàng giảm đã “ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn” - giải trình của Vinatex cho biết.
Doanh thu quý III/2023 của Vinatex giảm 11% so với cùng kỳ, đạt gần 4.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn hàng giá trị thấp, biên lợi nhuận mỏng khiến lãi gộp của công ty giảm tới 16%, còn 412 tỷ đồng.
Phần lớn lao động của Vinatex là lao động trực tiếp, chi phí lương vì vậy được tính vào giá thành sản phẩm. Đơn hàng giá trị thấp, trong khi công ty duy trì mức lương trên 8 triệu đồng/tháng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của công ty trực tiếp bị bào mòn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinatex lãi 198 tỷ đồng sau thuế, giảm sâu 82% so với cùng kỳ 2022.
Vinatex vừa chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Kế hoạch mới được đề ra là 16.500 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 5,7% và 39% so với kế hoạch đã được thông qua hồi đầu tháng Sáu.
Với kế hoạch mới (nếu được thông qua), sau 9 tháng, Vinatex đã thực hiện 74% chỉ tiêu doanh thu và 78% chỉ tiêu lợi nhuận.
Vinatex đã cổ phần hóa từ đầu năm 2015. Tuy nhiên đến nay Nhà nước (đại diện là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) vẫn nắm giữ trên 53% cổ phần.
Với tỷ lệ chi phối của nhà nước, Vinatex vẫn chia cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm trong khi vốn điều lệ giữ nguyên mức 5.000 tỷ đồng từ khi cổ phần hóa.
9 tháng đầu năm, Vinatex đã chi 346 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Theo tỷ lệ sở hữu, SCIC nhận về trên 180 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường