MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng

21-01-2013 - 08:41 AM |

Những năm trước, người trẻ có xu hướng tự kinh doanh, mở công ty riêng để khởi nghiệp thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều người trẻ lại e ngại và tìm cách tránh bão.

Không dám mạo hiểm

Anh Nguyễn Dương, làm việc trong một công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự, dù ấp ủ dự định tách ra lập DN riêng từ lâu nhưng anh vẫn chưa dám mạo hiểm.
Anh cho biết, công ty hiện nay là do anh và bốn người bạn cùng góp vốn hoạt động đã 5 năm. Lúc đầu, do vốn ít nên kinh doanh nhóm là lựa chọn tối ưu và ý định của anh là sau này khi công ty lớn mạnh sẽ tách ra để làm ăn riêng.

"Thế nhưng, hơn một năm nay, thấy tình hình kinh tế khó khăn. Dự án nhận về được khá ít mà đối tác thì thanh toán chậm nên nếu tách ra lập công ty riêng thì chỉ thuê mặt bằng và các khoản phát sinh văn phòng cũng là một gánh nặng. Thực tế là đã có quá nhiều công ty nhỏ không chịu được gánh nặng đã phải giải thể hoặc phá sản. Thế nên, dù rất muốn có công ty của riêng mình song mình vẫn phải cố thủ", anh Dương chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ khi tốt nghiệp ra trường không thể tìm ngay được một công việc đúng chuyên ngành như ý muốn nên đã nghĩ tới việc chuyển hướng tự kinh doanh nhưng sau khi tìm hiểu thị trường thì có phần nản chí.

Bạn Nguyễn Tâm, tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã ra trường gần hai năm nay nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Sẵn ấp ủ ý tưởng kinh doanh từ ngày còn đi học nên Tâm quyết định sẽ xin làm đại lí của kem New Zeland.


Sau khi tìm hiểu, Tâm đã lên bảng kế hoạch chi tiết cho việc mở một quán kem. Tâm cho biết số tiền dự kiến chi phí cho mua bàn ghế, vật dụng, thuê mặt bằng đã lên tới con số 100 triệu.

"Số tiền ấy quá lớn đối với một sinh viên mới ra trường như mình, cố gắng mình có thể xoay sở vốn được một nửa chỗ đó. Nhưng điều quan trọng là mình hơi lo lắng, không chắc sau khi mở cửa hàng có làm ăn được không? Vì thực tế giá một li kem New Zeland cũng không hề rẻ, giờ kinh tế eo hẹp, mọi người hạn chế nhu cầu tiêu dùng hơn trước. Bỏ ra một số vốn lớn mà không tự tin nên kế hoạch chưa triển khai được", Tâm bộc bạch.

Tâm cho biết, bạn bè cùng lứa có nhiều dự định ấp ủ nhưng không phải ai cũng có gan làm lớn, đa phần vẫn tìm công việc làm công ăn lương để tạm sống qua giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Lực cản

Thùy Trang (Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) đã có thâm niên bán hàng quần áo online hơn hai năm nay nhưng khi nghĩ đến chuyện mở shop bán quần áo thì Trang vẫn tỏ ra đắn đo.

Thùy Trang cho biết mở shop bán hàng online có một lợi thế là tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng mở cửa hàng nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi cho việc buôn bán.

"Nhìn chung dân mình chưa có thói quen mua hàng online nhiều, mọi người vẫn thích đến nhìn tận mắt sản phẩm, ưng rồi mới lấy hàng. Thế nhưng, nhà mình thì ở sâu trong ngõ nên nhiều khi cũng là một trở ngại nếu khách có ý định đến xem. Vì thế mình vẫn mong muốn thuê được một cửa hàng ngoài mặt đường để kết hợp với bán hàng online nữa".

Dự định thế nhưng khi bắt tay vào làm Trang mới vấp phải khó khăn thực sự. Nếu tìm thuê ở những khu phố chuyên bán quần áo thì giá thuê đắt, độ cạnh tranh với các cửa hàng khác cũng cao. Như vậy giá sản phẩm lại phải đẩy lên đề bù vào chi phí thuê mặt bằng thì mới có lãi.

"Bây giờ các shop quần áo mọc lên nhan nhản, nhưng ở giai đoạn nghìn người bán mà chẳng có vạn người mua. Mình thấy nhiều shop được một thời gian phải khuyến mãi, giảm giá mới thu hút được khách hàng. Nghĩ đã thấy nản nên mình lại thôi, quay về túc tắc bán hàng qua mạng vậy", Trang cho biết.

Hay như trường hợp của anh Tiến Minh (30 tuổi, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) từ lâu đã có ý tưởng mở một quán cafe có chiếu phim HD để phục vụ những người có cùng sở thích.

Anh kể có người bạn ở Sài Gòn đã mở một quán như vậy và làm ăn cũng ổn. Thế nhưng khi tính toán chi phí đầu tư mở quán lớn hơn rất nhiều so với số vốn mà mình hiện có. Các quán café có chiếu phim HD bây giờ cũng không ít nên nếu làm mình muốn đầu tư hoành tráng để tạo sự khác biệt, độc đáo mới thu hút được các bạn trẻ đến quán. Màn chiếu phải lớn và đầu tư dàn âm thanh chất lượng tốt đã ngốn một khoản không nhỏ. Nếu bảo đi vay thêm tiền để đầu tư thì mình không dám vì nếu lỡ không thành công thì không biết lấy gì để bù vốn.

Anh Minh cũng tỏ ra băn khoăn vì "với các quán café phục vụ chiếu phim HD giá đồ uống sẽ cao hơn so với những quán café thông thường, mà với thời buổi khó khăn như hiện nay những quán có thương hiệu, nhiều khách quen còn lao đao vì khủng khoảng, ế ẩm, kinh doanh buôn bán cầm chừng.".
 
Theo Bảo Hân
VEF

duchai

Trở lên trên