Kinh doanh sa sút, nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD mời 15 quỹ mua cổ phần
Đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cuối năm 2017...
- 27-03-2017Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR): Quý 1/2017 nộp ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng
- 28-12-2016Trao cơ chế tự chủ, Lọc hóa dầu Bình Sơn lần đầu tiên vượt kế hoạch 2.000 tỉ đồng
- 15-11-2016Lọc hóa dầu Bình Sơn khai thác thêm 1 triệu tấn sản phẩm
Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - vừa phát hành thư mời mua cổ phần hóa gửi đến 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến cuối năm 2017, BSR sẽ chào bán cổ phiếu ra thị trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước đầu tư và sở hữu, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Với định hướng trở thành động lực cho kinh tế miền Trung "cất cánh", công trình này được khởi công vào cuối năm 2005 và vận hành từ 2009, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.
Sau gần một thập kỷ đi vào vận hành thương mại, đến nay, BSR đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa, với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông.
BSR hiện là chủ đầu tư dự án nâng cấp - mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất để nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Tiến trình cổ phần hóa của nhà máy lọc dầu Việt Nam đầu tiên diễn ra trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp, bản thân doanh thu và lợi nhuận của nhà máy cũng đi xuống.
Năm 2016, BSR đạt doanh thu 75.184 tỷ đồng, giảm 41,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế 5,007 tỷ đồng, giảm hơn 21%.
Đáng chú ý, việc đầu tư của BSR vào công ty con là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (Bio Ethanol Dung Quất) gặp nhiều khó khăn.
Bio Ethanol Dung Quất có vốn điều lệ 1.252 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà máy được phê duyệt xây dựng năm 2009 tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, sau đó bị đội vốn lên 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, nhà máy lỗ 164 tỷ đồng.
Ba cổ đông sáng lập của Bio Ethanol Dung Quất bao gồm BSR với 60% vốn; Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, sau đó các công ty này đã lần lượt thoái vốn, hiện chỉ còn BSR là cổ đông lớn nhất.
Hiện nay nhà máy của Bio Ethanol Dung Quất đã dừng hoạt động. BSR cho biết để duy trì hoạt động tối thiểu, Bio Ethanol Dung Quất đã cắt giảm lao động, chỉ để lại nhân sự tối thiểu thực hiện quản lý, bảo đảm tài sản và bảo dưỡng sửa chữa.
Vneconomy