MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm 23 năm chiến đấu với ung thư: Đường càng gập ghềnh càng phải hát ca

28-02-2017 - 10:41 AM | Sống

Câu chuyện cảm động và nhiều cảm hứng của một bệnh nhân ung thư vẫn khỏe sau 23 năm sẽ giúp bạn tìm ra chân lý sống, triết lý chữa bệnh và cách chăm sóc sức khỏe tuyệt vời.

Ông Trương Chính, 67 tuổi, vốn là thầy giáo, khi nghỉ hưu trở thành Chủ tịch Hội phòng chống ung thư tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Một người đã nhận những danh hiệu vừa đau đớn, vừa tự hào là "Ngôi sao ung thư", "Dũng sĩ chiến đấu với ung thư" và rất nhiều danh hiệu khác.

Hãy đọc chậm câu chuyện này, để thấy rằng cuộc đời đáng sống nhiều đến nhường nào, dù thần chết có gọi tên bạn, thì bạn vẫn có thể cưỡng lại một cách ngoạn mục bằng ý chí của mình.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Giống như bất kỳ bệnh nhân ung thư nào trên thế giới này, giây phút đen tối nhất cuộc đời tôi lại đúng vào một ngày không thể nào quên năm 1989, khi vừa tròn 44 tuổi.

Đó là một ngày trời xanh trong vắt, gió thổi nhẹ nhàng, tôi bỗng nhiên cảm thấy trong người khác lạ, lòng dạ không yên, vội đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Bác sĩ khám xong và nói rằng, tôi mắc bệnh ung thư thực quản đã ở giai đoạn cuối, vô cùng nghiêm trọng, có thể chỉ sống được ít tháng nữa, tối đa là nửa năm.

Trong khoảnh khắc khó quên đó, vợ tôi ôm chặt lấy tôi òa khóc nức nở, nước mắt lăn dài trên má không sao dừng lại được. Rồi đến mấy đứa con, sau khi nghe tin, đứa nào cũng không thiết ăn uống.

Gia đình đặc biệt của tôi từ đó bỗng rơi vào cảnh buồn rầu, tang thương như thể tôi đang chết. Không khí hạnh phúc của gia đình trước đây gần như đã rời xa chúng tôi.

Chưa nói rằng đời tôi sao nhiều sóng gió. Trước đó, người vợ trước của tôi chẳng may lâm bệnh nặng qua đời, tôi phải ôm hai đứa con nhỏ rời bỏ thành phố, về quê sinh sống. Sau một thời gian thì tôi lấy vợ mới, được 5 năm và có cô con gái 4 tuổi, giờ lại gặp thêm biến cố này.

Thật khó hình dung nổi, nếu tôi chết thì vợ mọn con thơ sẽ ra sao, chưa kể vợ tôi lại phải nuôi thêm 2 đứa con của vợ trước, thật lòng tôi gần như chết đứng. Gia đình này, nhất định không thể thiếu tôi được, tôi phải sống.

Nhìn tôi quyết tâm như vậy, vợ cũng động viên nói rằng, chúng ta sẽ giữ sự toàn vẹn của gia đình này bằng mọi giá. Em sẽ tìm mọi cách để chữa bệnh cho anh, chúng ta phải cùng nhau sống, cùng nhau nuôi 3 con trưởng thành nên người.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ngày 24/8/1989 đánh dấu thời điểm đầu tiên chúng tôi bắt đầu chặng hành trình đầy đau đớn và quyết tâm cao độ. Tôi vào Khoa ngoại, Bệnh viện Tổng quân khu Tề Nam (TQ) để nhập viện điều trị.

Trải qua nhiều xét nghiệm, chụp ảnh và hội chẩn của nhóm chuyên gia, tất cả đều kết luận rằng, tôi đã mất cơ hội để phẫu thuật , quá muộn để làm điều đó. Giờ chỉ có thể "điều trị duy trì" (ý nói chỉ uống thuốc để tồn tại), sống đến đâu biết đến đó.

Tôi nghe xong, người nóng lên từ đầu đến chân, cảm thấy muốn nghẹt thở. Mặc dù chưa hiểu quy trình điều trị ung thư sẽ như thế nào, điều trị "bảo tồn sự sống" là gì, nhưng có thể hiểu rằng nếu không phẫu thuật, tôi đã không còn cơ hội được cứu, tôi sẽ phải chết.

Do đang mang trong lòng nhiều dự định, nên tôi nói với bác sĩ với thái độ rất cương quyết, hãy phẫu thuật, nếu tôi chết thì cũng nên có lý do rõ ràng, kể cả chết trên bàn mổ, thì cũng có thể hiến xác cho nghiên cứu y học. Tôi không thể chết khi bản thân mình chưa cố gắng.

Cuối cùng, thông qua nhiều lần khám nghiệm và hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ cũng đã cùng với tôi thử một "trận đánh" cuối cùng, cho dù kết quả là gì đi nữa, gia đình tôi cũng đều chấp nhận.

Lúc đó, tôi khá tỉnh táo và nghĩ, thôi đằng nào cũng đã thế này, mình phải mạnh mẽ lên. Tiên lượng xấu nhiều hơn tốt, trước phẫu thuật mấy ngày, tôi đi chụp mấy tấm ảnh, nếu phẫu thuật không thành công, coi như vợ tôi còn có ảnh mình làm kỷ niệm.

Tôi ra hiệu cắt tóc, đề nghị được cắt "kiểu đầu dũng sĩ", tự nghĩ mình sẽ là một chiến binh, quyết xông lên đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Cắt tóc xong, trông tôi rất mạnh mẽ. Về nhà, tranh thủ ngồi viết mấy dòng chữ để lại, gọi là chút di thư.

Ngày phẫu thuật, nhóm bác sĩ đã bắt đầu từ 9h sáng cho đến khoảng hơn 8 giờ tối. Do khối u ở vùng thực quản trên, nên tôi được mổ ở cả 3 cửa, một lỗ ở ngực, một lỗ ở cổ và một lỗ ở dạ dày. Một quy trình phức tạp, rất tốn công sức và thời gian. Thật may mắn là tôi đã vượt qua được lần phẫu thuật đầu tiên.

Tiếp tục chiến đấu không ngừng nghỉ để dành lấy sự sống, 4 tháng sau đó tôi lại tiếp tục lên bàn mổ với cuộc đại phẫu thứ 2. Trải qua 2 lần vật lộn với số mệnh, tôi từ 90kg đã sụt cân còn không tới 50kg, người chỉ còn da bọc xương.

Hai năm sau khi phẫu thuật, tôi và nhóm bác sĩ đã trở thành "bạn thân" và liên tục gặp nhau. Có khoảng 34 lần gặp gỡ với những kiểm tra và xét nghiệm. Vừa trị bệnh, tôi vừa viết những câu thơ khen ngợi mình như là một liều thuốc tinh thần.

Điều tôi vui mừng nhất, chính là trong cuộc đấu tranh sinh tử này, tôi đã biết tầm quan trọng của ý chí, lòng dũng cảm. Tôi gần như trở thành một người hùng, luôn cười với cuộc đời, khó khăn thế nào cũng không thể làm tôi gục ngã.

Người trực tiếp điều trị cho tôi những năm qua là Giáo sư Lư Triệu Đồng, trước những phút giây kỳ diệu mà tôi cùng ông đã trải qua, ông nói rằng, Trương Chính mắc bệnh hiểm nghèo và điều trị khó khăn, trải qua nhiều lần phẫu thuật và nhiều phương pháp điều trị, cuối cũng cũng vượt qua được cửa ải tử thần.

Anh ấy vẫn tiếp tục sống. Dù là dưới góc độ y học hay triết lý chữa ung thư của cá nhân, thì đây cũng được xem là kỳ tích, một điều kỳ diệu đến khó tin.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khi mắc ung thư, có nghĩa là bạn không còn đường lùi nữa, phải tiến lên, phải sống. Tôi đã từng nghĩ như vậy và luôn tin vào điều đó. Số phận của mình nằm trong tay mình, chỉ biết quyết tâm đến cùng.

Ung thư đã lấy đi của tôi quá nhiều, nhưng lại cho tôi hiểu ra rằng, món quà lớn nhất của đời người chính là sự rèn luyện ý chí, sự đấu tranh tinh thần, sự khát khao được sống.

Mặc dù cơ thể vẫn đang rất yếu, tôi vẫn đang phải ăn những món ăn mềm, dễ nuốt, và tinh thần vẫn chưa hồi phục, nhưng tôi tự động viên rằng, đừng nghĩ mình mắc ung thư, đừng coi mình là bệnh nhân, đừng để ý đến chuyện đã qua, mình phải sống khác.

Sau khi đi làm trở lại với nhiều phấn đấu, tôi đã được huyện, tỉnh tôn vinh, được mời tham gia Đại hội toàn quốc để nhận giải lao động ưu tú toàn quốc dưới sự chủ trì của lãnh đạo nhà nước Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào vào tháng 12/1997.

Thật quá sức tưởng tượng của tôi khi nghĩ đến việc từ một bệnh nhân ung thư đứng trước cái chết, tôi lại có thể sống. Mà không chỉ sống bình thường, mà tôi còn có thể sống lâu, sống đầy đủ và sang trọng.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Làm việc rồi cũng đến lúc nghỉ ngơi, sau khi về hưu, những vinh quang trong công việc rồi cũng dần khép lại.

Trải qua bao thăng trầm, tôi đã biến mình thành người mê công việc, mê sống. Tôi sợ nhất là cảm giác về hưu mà ngồi yên một chỗ, tôi nghĩ mình dù có mất sức lao động, thì cũng không thể để mất sắc vóc, không thể để mất trí tuệ được.

Dù cơ thể có già, trái tim cũng không được già, tôi sẽ tiếp tục cống hiến, tôi sẽ dùng thời gian để theo đuổi ước mơ, mục tiêu sống của đời mình, phải đi hết cuộc đời một cách thỏa mãn.

Sau nhiều suy nghĩ và lựa chọn, cuối cùng tôi đã đưa ra một quyết định bất ngờ - cưỡi xe máy đi chu du trên khắp Trung Quốc. Ý tưởng và mục tiêu tạm thời là đi để nghiên cứu và tuyên truyền đẩy lùi ung thư.

Một chiếc xe máy và ít tư trang, tôi đã đi từ đông sang tây, từ bắc vào nam, với hành trình dài và gian khổ, cuối cùng cũng đã vượt qua được 84.000 km, đặt chân lên hầu hết các vùng đất với 542 tỉnh thành phố lớn nhỏ, kể cả Đài Loan.

Trên chặng đường đi dài ngày đó, tôi luôn luôn phải vượt qua hàng loạt các điều kiện khí hậu, thời tiết, môi trường, giao thông, hải quan, an ninh, chỗ ở, và nhiều điều kiện khó khăn, phức tạp, thiếu thốn kèm mệt mỏi.

Sau tất cả, tôi cũng đã vượt qua những vùng đất tươi đẹp nhất, hiểm trở nhất, độc đáo nhất của Trung Quốc. Mọi miền đất trên quê hương mình đều đã ghi lại dấu chân tôi.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhắc lại chặng đường sống cùng ung thư, làm bạn với ung thư và chiến đấu với ung thư, tôi cảm thấy thật phi thường. Nhưng tôi vẫn cho rằng, ung thư luôn tự thất bại.

Đừng bao giờ nói con đường chống ung thư gập ghềnh, mà hãy nghĩ cuộc sống vốn đã gập ghềnh như thế. Phải biết vượt qua mọi khó khăn.

Có người nói rằng, gặp đại nạn mà không chết, đó chính là phúc dày. Nhưng tôi nghĩ rằng, sống là không được ngừng nghỉ, không ngừng đấu tranh, đó mới là niềm vui bất tận.

Con đường phòng chống ung thư của tôi vẫn đầy hy vọng và vẫn còn tiếp tục, tôi sẽ phấn đấu không ngừng và luôn hướng về phía trước.

*Theo Hiệp hội Ung thư Trung Quốc

Theo Vân Hồng

Trí thức trẻ

Trở lên trên