MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế của tỉnh sát vách Hà Nội vừa được 'ông lớn' Amkor rót thêm 1,07 tỷ USD: GRDP quý 2 tăng mạnh trở lại sau hơn 1 năm tăng trưởng âm

Không chỉ trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD, theo Cục Thống kê Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

photo-1719974746264

 

Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và quan chức 2 nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, với 244 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng gấp gần 2 lần so với năm 2023, với tổng vốn 1,102 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước); điều chỉnh vốn 87 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng 424 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng hơn 1,526 tỷ USD.

Đặc biệt, tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 2 quý đầu năm 2024 đã có sự cải thiện sau một năm ghi nhận tăng trưởng âm. Cụ thể, theo Cục Thống kê Bắc Ninh, kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong quý 1/2024 đã có phần khởi sắc hơn so với năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ còn giảm 3,52% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cả năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP giảm tới 9,28%, mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố.

Bước sang quý 2, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát với các kịch bản cụ thể, bám sát diễn biến tình hình, giải quyết kịp thời các nút thắt; các doanh nghiệp thuộc ngành chủ lực có chuyển biến tích cực ở thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, GRDP của tỉnh đã tăng trở lại với mức tăng khá ấn tượng (+8,06%) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nhờ GRDP quý 2/2024 tăng trưởng 8,06% đã kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,32% so với cùng kỳ. Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định, mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng cao về chỉ số so với cùng kỳ nhưng quy mô vẫn chưa trở về mức trước suy thoái, còn bị giảm khá nhiều (-11,3%) so với GRDP 6 tháng đầu năm 2022 (năm đạt đỉnh về quy mô GRDP). 

photo-1719974534679

Xét theo khu vực kinh tế, cả 3 khu vực kinh tế đều đạt được mức tăng trong đó tăng nhiều nhất khu vực dịch vụ, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS), khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng ít nhất, đồng thời thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng tăng nhẹ.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 101.570 tỷ đồng (tương đương 3.992 triệu USD). Về cơ cấu kinh tế theo các khu vực kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 là: Khu vực NLTS chiếm 3,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 68,87%; khu vực dịch vụ chiếm 23,62% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 3,92% (6 tháng đầu năm 2023, tương ứng là: 3,26%; 71,11%; 21,61% và 4,1%). Như vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi đáng kể theo hướng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ giảm 2,24% so với cùng kỳ, song song thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng giảm 0,09% trong khi tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng 2,02%, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,32%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tăng cao 31,7% so với cùng kỳ, đáng chú ý là khoản thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là khoản thu lớn nhất tăng 25,1% là động lực chính kéo tổng thu tăng cao. Chi ngân sách địa phương cũng tăng cao 20,8% so với cùng kỳ, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, quản lý nhà nước.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên