MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế gặp khó, Trung Quốc lại nhận tin không vui từ các nhà đầu tư nước ngoài

21-07-2023 - 14:52 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: FT/Bloomberg

Ảnh: FT/Bloomberg

Theo dữ liệu của Goldman Sachs, dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi khác ở châu Á đã “vượt mặt” Trung Quốc.

Lần đầu tiên sau 6 năm, các nhà đầu tư nước ngoài rót ít tiền vào thị trường chứng khoán Trung Quốc hơn các thị trường mới nổi khác ở châu Á. Lý do là vì họ không còn lạc quan về tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo dữ liệu do ngân hàng Goldman Sachs tổng hợp, trong 12 tháng qua, dòng vốn ròng đổ vào thị trường mới nổi ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, là hơn 41 tỷ USD, vượt xa con số 33 tỷ USD đổ vào Trung Quốc thông qua chương trình Stock Connect của Hồng Kông.

Sự thay đổi này phản ánh tâm lý thất vọng về sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, các nền kinh tế khác trong khu vực đang được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng và nhu cầu bán dẫn mạnh từ Mỹ.

Chiến lược gia Sunil Koul tại Goldman Sachs khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho biết: “Khi nhìn khắp khu vực, bạn sẽ chú ý hơn đến những nơi nhạy bén với sự tăng trưởng của Mỹ”.

Tâm lý nhà đầu tư về Trung Quốc cũng được phản ánh trong cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ châu Á của ngân hàng Bank of America (BofA). Phần lớn trong số 260 người được hỏi, những người quản lý tổng số tài sản hơn 650 tỷ USD, đã giảm tiếp xúc khi Trung Quốc tăng trưởng yếu. Đồng thời, 86% các nhà quản lý quỹ dự đoán rằng các thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng trong 12 tháng tới.

Kinh tế gặp khó, Trung Quốc lại nhận tin không vui từ các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Đầu tư nước ngoài vào chứng khoán châu Á tăng, ngoại trừ Trung Quốc.

Ông Manishi Raychaudhuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương của BNP Paribas cho biết, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục thận trọng với Trung Quốc cho đến khi triển vọng tăng trưởng của nước này được cải thiện. Ông nhấn mạnh hai chủ đề nổi cộm là “Ấn Độ” và “công nghệ do AI thúc đẩy”.

Chính công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy dòng tiền đổ vào Đài Loan (Trung Quốc) là 10 tỷ USD và Hàn Quốc là 9 tỷ USD. Các nhà đầu tư đặt cược rất nhiều vào sự gia tăng nhu cầu bán dẫn ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Kinh tế gặp khó, Trung Quốc lại nhận tin không vui từ các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Nhu cầu đối với chứng khoán khu vực Đông Á gia tăng

Nhờ tăng trưởng mạnh mẽ, cùng dự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, Ấn Độ đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Ông Mohammed Apabhai của Citigroup cho biết nếu động lực tăng trưởng của Trung Quốc không trở lại, nhiều người sẽ chuyển sang Ấn Độ. Từ đầu năm đến nay, dòng tiền nước ngoài đổ vào Ấn Độ là khoảng 14 tỷ USD.

Các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á cũng bắt đầu chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng. Khảo sát mới nhất của BofA cho thấy 12% số nhà quản lý quỹ đánh giá cao Indonesia. Nước này trở thành thị trường mới nổi được yêu thích ở châu Á, ngoài Nhật Bản.

Dòng tiền đổ vào Indonesia và các thị trường Đông Nam Á khác được thúc đẩy một phần bởi đồng USD suy yếu. Điều này sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu khu vực. Nhưng Ông Apabhai cảnh báo rằng nếu đồng USD tăng giá, dòng tiền đổ vào các thị trường này sẽ lại lung lay.

Tham khảo FT

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên