Kinh tế thế giới biến động như thế nào trong tháng 5?
Tháng 5 vừa qua tiếp tục chứng kiến những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu...
- 26-05-2021Nợ ở thị trường mới nổi đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19
- 20-05-2021Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam
- 17-05-2021Bloomberg: Kinh tế thế giới đột ngột gặp khó trên mọi phương diện
Tháng 5 vừa qua tiếp tục chứng kiến những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Á giữa lúc Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại nhờ tiêm chủng.
Olympics Tokyo 2020 từng được kỳ vọng sẽ là một lễ ăn mừng chiến thắng – một minh chứng rằng thế giới đã đánh bại virus corona. Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tháng là tới lễ khai mạc sự kiện này, nhà chức trách Nhật Bản phải gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và một số thành phố lớn khác để chống lại sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm mới Covid-19.
Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân Nhật muốn hoãn hoặc thậm chí huỷ đăng cai Thế vận hội vì lo ngại đó sẽ là một “sự kiện siêu lây nhiễm”. Một lãnh đạo doanh nghiệp nước này thậm chí còn gọi Thế vận hội là một “sứ mệnh tự sát”.
ĐỐI LẬP GIỮA CHÂU Á VÀ PHƯƠNG TÂY
Nỗi lo của Nhật Bản cũng là nỗi lo chung của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á vào thời điểm này, khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia... đều là đang đối diện với làn sóng Covid tiếp theo. Tại một nơi, đây là đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Ở Ấn Độ, trận “sóng thần” Covid đã lập đỉnh vào đầu tháng 5 với hơn 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày...
Trong lúc lệnh phong toả và giãn cách xã hội được áp trở lại ở châu Á, người dân Mỹ và châu Âu bắt đầu tháo khẩu trang và chuẩn bị cho một mùa hè sôi động với những chuyến du lịch mà suốt hơn một năm qua họ không được hưởng.
Đây là một sự đảo ngược mạnh mẽ những gì đã diễn ra trong năm 2020 – khi Mỹ và châu Âu oằn mình hứng chịu đại dịch còn các nền kinh tế châu Á như Singapore và Đài Loan được xem là hình mẫu thành công về chống Covid. Nguyên nhân dẫn tới sự xoay chuyển tình thế này nằm ở chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid.
Trong khi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đặt tiêm chủng làm trọng tâm của công tác chống dịch, châu Á tỏ ra chậm chạp hơn trong vấn đề này. Tính tới ngày 24/5, 49,1% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 39% dân số đã được tiêm đầy đủ. Trái lại, đến nay mới chỉ có 2,3% dân số Nhật được tiêm đầy đủ. Tại Đài Loan, tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất một mũi hiện mới đạt 1,3%.
GIÁ NGUYÊN VẬT LIỆU THÔ BIẾN ĐỘNG MẠNH
Sự phục hồi của 3 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã khiến nhu cầu nguyên vật liệu thô tăng nóng, đẩy giá những mặt hàng như thép, đồng, quặng sắt, nhôm, ngô, gỗ... leo thang chóng mặt trong tháng 5. Một chỉ số giá nguyên vật liệu thô toàn cầu do hãng tin Bloomberg thực hiện đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, các sản phẩm thép ở Trung Quốc đã đội giá hơn 1.600 Nhân dân tệ (250 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá quặng sắt giao sau tại thị trường Singapore có lúc tăng 10% chỉ trong vòng vài phút đồng hồ.
Chính sự tăng giá này lại đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế đà tăng giá nguyên vật liệu bằng cách đưa ra những cảnh báo về tình trạng đầu cơ thổi giá. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng bắt đầu siết lại.
Ngay sau những tín hiệu này từ Trung Quốc, giá nguyên vật liệu thô trên thị trường toàn cầu giảm nhiệt nhanh chóng. Đến giữa tuần vừa rồi, giá quặng sắt tiêu chuẩn 62% tại Singapore đã sụt giảm còn 182 USD/tấn, thấp hơn trên 20% so với mức kỷ lục 232,5 USD/tấn thiết lập hôm 12/5. Giá thép giao sau tại thị trường Thượng Hải cũng xuống đáy 2 tháng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự xuống thang này chỉ là tạm thời, giá nguyên vật liệu thô vẫn có thể tăng nhiệt trở lại. Nguyên do là bởi Trung Quốc hiện không còn nắm ảnh hưởng quyết định đến giá nguyên vật liệu thô. Thay vào đó, sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ còn đến từ Mỹ và châu Âu. “Trước đây, biến động giá các kim loại công nghiệp thường theo chu kỳ tín dụng của Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì không thế, vì Mỹ đã chi nhiều tiền kích cầu hơn Trung Quốc, và nhu cầu của Mỹ đang rất mạnh”, chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie Group nhấn mạnh.
NỖI LO LẠM PHÁT PHỦ BONG TOÀN CẦU
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phiên “nháo nhào” trong tháng 5 sau khi chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Một thước đo lạm phát quan trọng khác của Mỹ là chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 3,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai chỉ số này đều vượt xa mục tiêu lạm phát 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Tại Trung Quốc, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), cũng tăng 6,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất 3 năm.
Tổ chức nghiên cứu Conference Board dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Kinh tế Mỹ hồi phục mạnh và việc giá nguyên vật liệu thô tăng cao đang gây áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là tình trạng này sẽ khiến Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Việc Fed thắt chặt có thể gây nên một “cơn địa chấn” trên thị trường toàn cầu: các dòng tiền chuyển hướng, tỷ giá các đồng tiền biến động mạnh, trồi sụt giá tài sản, và sức ép lên chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Về phần mình, Fed vẫn giữ lập trường lạm phát tăng chỉ là vấn đề tạm thời và chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái nới lỏng cho tới khi nền kinh tế và thị trường đạt được sự phục hồi thực sự bền vững. Dù vậy, Fed đã bắt đầu phát tín hiệu chuẩn bị bàn đến việc cắt giảm chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.
BIẾN ĐỘNG TIỀN ẢO, DÒNG VỐN TRỞ LẠI VỚI VÀNG
Những dòng tweet của tỷ phú Elon Musk và các động thái siết kiểm soát thị trường tiền ảo của Trung Quốc và Mỹ đã gây sóng gió trên thị trường tiền ảo trong tháng 5. Giá Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới, đã “bốc hơi” khoảng 36% trong tháng 5. Với mức giảm như vậy, tháng này đã trở thành tháng tồi tệ nhất của Bitcoin kể từ tháng 9/2011. Từ mức đỉnh gần 65.000 USD vào tháng 4, giá Bitcoin hiện dao động trên ngưỡng 35.000 USD.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đã có sự hồi phục ngoạn mục sau đợt bán tháo hồi quý 1. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 tại thị trường New York, giá vàng đã chinh phục thành công ngưỡng cản quan trọng 1.900 USD/oz, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1. Với mức tăng 7,2%, tháng 5 trở thành tháng tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 7 năm ngoái. Giới phân tích nói rằng giá kim loại quý này đang hưởng lợi từ môi trường lãi suất đang thấp trên toàn cầu kết hợp với áp lực lạm phát gia tăng - trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thô leo thang và chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục đưa ra những kế hoạch quy mô lớn bơm tiền vào nền kinh tế. Nhiều chuyên gia đặt khả năng giá vàng có thể sớm tiến tới mốc 2.000 USD.
Một điểm thú vị là sự sụt giá lần này của Bitcoin diễn ra song song với sự tăng giá của vàng, trái ngược với những gì diễn ra vào đầu năm, khi giá Bitcoin tăng chóng mặt và vàng bị bán tháo. Một số nhà phân tích cho rằng điều này một lần nữa cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn giữa vàng, kênh đầu tư truyền thống, và tiền ảo - một tài sản được coi là “vàng kỹ thuật số”. Những định chế lớn như JPMorgan Chase và ByteTree Asset Management nói rằng sự tăng giá vàng gần đây ít nhất có liên quan một phần đến tình trạng sụt dốc của Bitcoin.
VnEconomy