MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế số lấn át nhanh chóng kinh tế thực”

TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ trong ngày đầu Việt Nam thực hiện "cách ly toàn xã hội".

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
84 bài viết

Trong ngày đầu cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những suy nghĩ của ông trên trang Facebook cá nhân, ông viết: “ Có nhiều điều để suy nghĩ và viết ra lúc này, do áp lực của các biến cố đang xảy ra và cả từ lý do đang trong giai đoạn "cách ly toàn xã hội".

Ông Thiên nhận định, kinh tế thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng và suy thoái kéo dài, chắc phải cỡ 2 năm, tức là đến 2022.

Lý do là các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt, từ cả hai đầu (cung và cầu). Đứt không chỉ một vài khâu nào đó trong chuỗi mà là đứt gây ngưng trệ ở tất cả các khâu nên suy thoái nghiêm trọng là không tránh khỏi và việc khôi phục trở nên khó khăn, kéo dài hơn các cuộc khủng hoảng thông thường.

Việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 được cộng thêm hệ quả của tác động chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến tiếp diễn sự dịch chuyển sản xuất của các Tập đoàn lớn, quá trình có thể kéo dài vài năm.

Ông Thiên nhận định: “Tình thế hiện nay là không thể khôi phục lại các chuỗi đứt để xây dựng lại cấu trúc kinh tế như trước “Covid-19” hay thậm chí xa hơn – trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc . Nền tảng kinh tế thế giới đã thay đổi căn bản, ở cả 2 khía cạnh cấu trúc không gian và thời gian".

Một là, nền kinh tế số lấn át nhanh chóng nền kinh tế thực. Hãy xem giờ đây mỗi ngày, mỗi người dành mấy giờ sống với smartphone, facebook và số giờ đấy đang tăng nhanh như thế nào khi bị “cách ly xã hội”.

Hai là, sự dịch chuyển trong không gian các chuỗi sản xuất, với dòng chính là “chạy ra khỏi Trung Quốc” (ngược lại với 30 năm trước, tất cả đua nhanh bổ nhào vào Trung Quốc). Phân bố lại nguồn lực sẽ đi liền với việc phân bố lại quyền lực phát triển.

Cuộc “đua và đấu” giữa Mỹ - Trung Quốc hay giữa bất kỳ các đối thủ nào hiện nay đều đứng trước một tình thế mới. Đó là tác động cộng hưởng của những yếu tố “khủng” chưa từng thấy, đều có ý nghĩa xoay chuyển lịch sử - thời đại. Nhưng xin nhắc lại: đó là tác động cộng hưởng (chứ không phải là tác động đơn lẻ của từng yếu tố - đã “khủng” rồi càng “khủng” hơn gấp bội) bởi thêm tác động của các yếu tố: 1) Công nghệ cao - kinh tế số, 2) Trung Quốc trỗi dậy và 3) Covid-19.

Tốc độ cao của mọi quá trình trong không gian toàn cầu hóa sẽ làm gia tăng tần số xảy ra các biến cố mang tính thảm họa (điều này lý giải tại sao hiện nay, nhiều nước phải lập ra Bộ “Ứng phó tình trạng khẩn cấp”). Quá trình phát triển trở nên đặc biệt khó lường.

Hàm ý của nhận định này được ông Thiên nêu ra là loài người đứng trước một tổ hợp rủi ro mới, khốc liệt hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì đã từng có: Tổ hợp của rủi ro công nghệ, rủi ro thị trường, rủi ro thiên tai, dịch bệnh.

Thêm vào đó, lúc này, thật khó trả lời xác quyết Covid-19 là tai họa thiên nhiên (thiên tai) hay tai họa công nghệ (nhân tai). Nhưng chắc chắn một điều: đó là tai họa gắn với toàn cầu hoá tốc độ cao, là một sản vật mang thuộc tính của toàn cầu hoá.

Hàm ý thứ 2 là những gì trỗi dậy được nhờ toàn cầu hoá (Trung Quốc chẳng hạn) thì cũng đối diện với nguy cơ chịu tai họa do toàn cầu hoá gây ra (Trung Quốc lại tiếp tục là ví dụ - với Chiến tranh Thương mại Mỹ Trung Quốc và dịch Covid-19).

Đặc biệt, trong cấu trúc phát triển hiện đại, logic của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chứa đựng khả năng nước đi sau có thể nhảy vọt, vượt qua các nước đi trước và gây đảo lộn trong trật tự phát triển và hệ thống quyền lực. Không đơn thuần các nước đi trước "bắt nạt" các nước đi sau như các thế kỷ trước đây.

Bình luận thêm những chia sẻ từ ông Trần Đình Thiên, TS. Lương Hoài Nam dẫn lời của Thống đốc bang New York Andrew Cuomo mới đây tại cuộc họp báo về Covid-19: "Bao giờ sẽ trở lại bình thường? KHÔNG BAO GIỜ! Nói đúng hơn là chúng ta sẽ trở lại MỘT BÌNH THƯỜNG MỚI".

Đây thực sự là giai đoạn thử thách đối với các doanh nghiệp để đổi mới, tái cấu trúc, theo ông Nam, “ngành nào, doanh nghiệp nào mà không ý thức được sự thay đổi này để sẵn sàng nhất cho một thời kỳ BÌNH THƯỜNG MỚI, rất khác với những gì đã có trước đại dịch Covid-19 thì sẽ không có tương lai".

“Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế số lấn át nhanh chóng kinh tế thực” - Ảnh 1.

Theo Tú Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên