MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế TP Hồ Chí Minh hồi phục hình chữ V

Kinh tế TP Hồ Chí Minh hồi phục hình chữ V

TP. Hồ Chí Minh, nền kinh tế đầu tàu cả nước đã đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương GRDP là hơn 3,8% trong 6 tháng đầu năm nay.

Thông tin trên được đánh giá là tích cực và phần nào cho thấy những nỗ lực trong quá trình hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, sức khoẻ của sự hồi phục này ra sao và dự báo 6 tháng cuối năm như thế nào đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ mức giảm sâu trong quý 3 và 4 năm ngoái - lần lượt là âm gần 25% và âm hơn 11,6%, đến quý 1 năm nay đã tăng hơn 1,8%, đến quý 2 thì bứt tốc tăng hơn 5,7%. Kinh tế TP Hồ Chí Minh hồi phục nhờ sức phục hồi mạnh của các nhóm ngành trọng yếu.

Du lịch phục hồi – "Lực kéo" kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng tốc

Qua 6 tháng, tổng doanh thu dịch vụ du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 49.700 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo mức tăng doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú cũng tăng khoảng 40%, đưa tổng mức tăng trưởng nhóm ngành thương mại dịch vụ lên 4,8%.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết: "Sau dịch COVID-19, sau hơn 2 năm bị đè nén, người dân đã rất tích cực ủng hộ quay lại đi du lịch. Đặc biệt, trong tháng 5,6 việc phục hồi gần như hoàn toàn".

Do nhóm ngành này đóng góp đến hơn 60% cơ cấu tổng sản phẩm địa phương của thành phố Hồ Chí Minh nên tạo ra sức kéo cho cả nền kinh tế.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận định: "Mức tăng này thể hiện sức mua của doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu quay trở lại. So với 6 tháng đầu năm 2019, con số tuyệt đối về thương mại dịch vụ của TP Hồ Chí Minh đã có quy mô lớn hơn. Điều này thể hiện kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có bước phục hồi đáng kể so với kế hoạch đề ra".

Lãnh đạo chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, nền kinh tế thành phố đang phục hồi khá đồng đều và gần chạm mức như trước dịch. Để tiếp đà tăng trưởng, chính quyền sẽ tiếp tục chú trọng vào ngành du lịch vì khả năng lan tỏa đến nhiều ngành khác như chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống...

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng ta phải tập trung hơn nữa các giải pháp cho ngành công nghiệp phục hồi chậm trong 6 tháng, các ngành dịch vụ trọng điểm, cũng như tập trung các giải pháp để phục hồi du lịch. Như vậy, 6 tháng cuối năm du lịch tôi tin là sẽ phục hồi và có sức lan tỏa, kéo những ngành khác rất tốt".

Giới doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, quy định hiện tại cấp visa cho khách quốc tế chỉ trong thời hạn 15 ngày, cơ sở hạ tầng dịch vụ chưa có sự phục hồi tương xứng với nhu cầu du lịch đang là những rào cản cho sức tăng trưởng của ngành.

Nhiều ngành vẫn chưa "thoát đáy"

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thách thức đặt ra cho kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong nửa cuối năm 2022 là không nhỏ khi nhiều nhóm ngành quan trọng vẫn chưa "thoát đáy". Như trong nhóm ngành dịch vụ có ngành hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn giảm hơn 5,8% trong nửa đầu năm do nhiều yếu tố về pháp lý, chính sách...

Những yếu tố khó khăn từ thế giới cũng khiến một ngành xuất khẩu trọng điểm của thành phố là điện - điện tử đến hơn 9,2% về chỉ số sản xuất công nghiệp, đòi hỏi những giải pháp từ cả phía chính quyền và doanh nghiệp để cải thiện tình hình trong phần còn lại của năm.

Thách thức cho ngành xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh nửa cuối năm

Đơn hàng nhiều, nhu cầu thị trường lớn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp lại không thể nhận thêm đơn mới do thiếu linh kiện điện tử. Không chỉ giao hàng thiếu mà thời gian giao hàng cũng phải kéo dài do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế tương đối khó khăn.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh hồi phục hình chữ V - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, nói: "Thiếu linh kiện điện tử là khó khăn chung của ngành điện tử. Các bộ phận chức năng của tập đoàn đang hỗ trợ để tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nửa năm sau mục tiêu là khôi phục và lấy lại những gì còn chưa đạt được.

Còn với ngành dệt may, chi phí đầu vào, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động vẫn là "vách ngăn" của quá trình phục hồi. Đặc biệt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu khi Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu chính vẫn theo đuổi chính sách "zero COVID-19" khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Với thách thức như hiện nay, doanh nghiệp phải ứng phó bằng cách đàm phán với đối tác, cắt giảm chi phí, tập trung vào thị trường ít bị tác động để giữ đà tăng trưởng trên 30%.

Bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Khối Kế hoạch Kinh doanh Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, chia sẻ: "Kịch bản chúng tôi đưa ra là cân đối các thị trường xuất khẩu. Ở May Sài Gòn 3 có 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ 60-40; trong tình huống có sự cố đứt gãy nguồn cung ứng chúng tôi cân đối 2 khách hàng chính này. Doanh nghiệp sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" hơn để cân đối chi phí cùng với khách hàng.

Sở Công Thương TP. HCM nhận định, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam còn có rủi ro sụt giảm sức mua vì áp lực lạm phát. Có nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng, chống dịch hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng, tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. Đâu đó cũng tạo ra thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam để đón nhận sự dịch chuyển đơn hàng.

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nói: "Khi chúng ta là mắt xích trong chuỗi cung ứng, thách thức lớn nhất là phải ứng phó hiệu quả với những khó khăn này. Ở góc độ cơ hội, các FTA thế hệ mới đã tạo cơ hội cho hàng xuất khẩu TP.HCM. Cơ cấu xuất khẩu khá phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, các ngành sản xuất xe, công nghiệp nặng bị ảnh hưởng thì sản xuất nông nghiệp… lại thuận lợi hơn rất nhiều".

Theo doanh nghiệp, đây là thời điểm phải chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn để duy trì khả năng cạnh tranh trong nửa cuối năm. Để tăng sức hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ làm hiệu quả hơn chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Thực tế qua 6 tháng, đã có hơn 92.000 tỷ đồng được ngân hàng giải ngân cho vay thông qua chương trình này, tiếp sức cho hơn 6.800 doanh nghiệp.

Sự phục hồi hình chữ V của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh khá tích cực, cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên