MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, đang bước sang giai đoạn bứt phá trở lại

6 tháng của năm 2023, TP.HCM tăng trưởng 3,55%. Con số này cho thấy sự tăng trưởng ngoạn mục của thành phố khi quý I chỉ đạt 0,7%. Dù dự báo có thể TP.HCM sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 – 8% cả năm 2023, nhưng những tín hiệu khả quan của nửa năm đầu sẽ là bản lề để thành phố bứt phá, tăng tốc trong thời gian còn lại.

Thành phố với khó khăn “3 trong 1”

TP.HCM bước vào năm 2023 với mục tiêu “tăng tốc” sau năm 2022 cơ bản hoàn thành mục tiêu “phục hồi”. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và các vấn đề khác khiến cho triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu chậm, trì trệ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam, mà đặc biệt là TP.HCM với độ mở của nền kinh tế lớn, hội nhập sâu rộng nên bị ảnh hưởng khá nặng nề. Điều này thể hiện khá rõ khi GRDP quí I của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp kỷ lục. Doanh nghiệp lao đao vì đơn hàng sụt giảm phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, hoặc xấu hơn là… giải thể.

Ngoài ra, TP.HCM còn phải đối mặt với các khó khăn riêng như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi "ví von" là phải chịu cảnh “ngoại công – nội kích” như các vụ việc SCB, Vạn Thịnh Phát… tác động rất lớn đến tình hình của thành phố, dẫn tới tình trạng cán bộ e dè, không dám làm…

Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, đang bước sang giai đoạn bứt phá trở lại - Ảnh 1.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành phố phải đối mặt với khó khăn “trùng trùng điệp điệp” theo kiểu “3 trong 1” khi vừa phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, các vấn đề hiện tại và các vấn đề phát sinh. Và trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã phải “chòi đạp” để tồn tại.

“Những việc thành phố làm nỗ lực là giai đoạn sau. Còn cái đang có là thị trường, là sự chòi đạp của doanh nghiệp. Tiềm lực kinh tế của thành phố cực lớn với hơn 250.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 450.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chiếm 1/3 cả nước. Quá trình vừa qua là các doanh nghiệp họ “chòi đạp”, họ đi lên”, TS. Trần Du Lịch nói.

Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, đang bước sang giai đoạn bứt phá trở lại - Ảnh 2.

Kinh tế TPHCM đang phục hồi. (Ảnh minh họa: H.K)

Thực tế, các doanh nghiệp tại TP.HCM đối mặt với các khó khăn như tồn đọng hàng, thị trường thu hẹp… dẫn đến phải co mình lại, cắt giảm nhân sự. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Thương mại Phát triển Công nghệ Hưng Thịnh, Quận 4 cho biết,  doanh nghiệp đang vật vã tìm vốn vay: “Khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân và chuyển sang nợ xấu. Bên cạnh đó, chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã triển khai nhưng TP chưa duyệt hỗ trợ lãi suất cho vay theo chương trình kích cầu”.

Nguy nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít

Phân tích tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng qua, các chuyên gia đều có chung nhận định, dù bối cảnh gặp quá nhiều khó khăn nhưng kinh tế TP.HCM vẫn có những nét chấm phá nổi bật, với những kết quả ngoạn mục; tạo sức bật để thành phố bức tốc trong thời gian còn lại. Dù thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ hơn là cơ hội và chắc chắn con số mục tiêu tăng trưởng 7,5 – 8% cả năm gần như không thể đạt, nhưng theo các chuyên gia, thành phố vẫn còn nhiều tín hiệu để hy vọng.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tín hiệu khả quan là nếu trong quí I số doanh nghiệp tham gia vào thị trường 10 thì có 9 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Sang quý II, có 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 4 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Ngoài ra, lạm phát tại TP cũng đã hạ nhiệt… Do đó, TP cần phải thúc đẩy các động lực cơ bản để tăng trưởng nền kinh tế.

Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, đang bước sang giai đoạn bứt phá trở lại - Ảnh 3.

Tăng trưởng nửa năm 2023 của TP.HCM đạt 3,55%. (Ảnh minh họa: H.K)

“Tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 3,55% mà để đạt kế hoạch thì 6 tháng cuối năm chúng ta phải tăng trên 11%. Đây là điều rất khó. Chúng ta phải tận dụng, chắt chiu từng cơ hội như giải ngân đầu tư công, tăng chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, tăng sức mua nội địa. Đây là những động lực cơ bản để tăng trưởng cho nền kinh tế để hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất có thể được”, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết thêm.

Để chạm đến mục tiêu đề ra, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp, như: tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch thành phố, quyết liệt giải ngân đầu tư công; phân cấp cho các quận huyện để tháo gỡ vướng mắc; tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa; phục hồi xuất khẩu từng ngành hàng, từng thị trường; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính…

“Chúng ta có 2 cơ hội lớn. Một là kinh tế quý II bắt đầu phục hồi, rõ nét nhất là dịch vụ và đặc biệt là du lịch đang phục hồi tốt. Thứ hai là đầu tư công đã khởi sắc nhiều và trở thành động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Đây là 2 cơ hội nhưng do nguy nhiều hơn cơ nên khả năng thành phố khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023”, ông Phạm Bình An cho hay.

Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, đang bước sang giai đoạn bứt phá trở lại - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tình hình tăng trưởng quí I gặp nhiều khó khăn, nhưng quí II đã có nhiều cải thiện giúp tăng trưởng của Thành phố trong nửa năm 2023 đạt 3,55%. Thành phố cũng có nhiều kết quả nổi bật như khởi công nhiều công trình lớn, tiêu biểu như: Vành đai 3, dự án Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Thành phố cũng tập trung vào các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và đặc biệt là đã nỗ lực, chạy đua với thời gian để cùng với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ trình Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98). Đây là điểm nhấn và cũng là động lực để Thành phố nỗ lực hơn trong các tháng còn lại.

Ông Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận, dù quý II và III thuận lợi thì thành phố cũng chỉ tiệm cận mục tăng trưởng của năm 2023 là gần 7% (mục tiêu 7,5 – 8%). Muốn thế, thành phố cũng phải đặc biệt nỗ lực, tập trung các biện pháp, thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng.

“Chúng ta dự báo tình hình quý III và 6 tháng cuối năm tình hình có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, có thể cải thiện rõ nhất là ở quý IV, cuối năm nay. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực hơn. Trong lịch sử chúng ta đã vậy, càng khó khăn thì chúng ta càng phải nỗ lực để hiệp sức vượt qua khó khăn này”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu rõ.

Theo chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, TP.HCM đặt mục tiêu năm 2022 là phục hồi, năm 2023 phát triển, nhưng có lẽ năm 2024 mới là thời điểm thành phố tăng tốc để bù lại cho năm 2023 với đầy rẫy những khó khăn. Kinh tế TP.HCM đã chạm đáy, không thể tụt hơn nữa. Tiềm lực kinh tế của TP.HCM là cực lớn nên nếu tìm ra các giải pháp hợp lý, thành phố sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Và thuận lợi là thành phố sẽ triển khai các giải pháp trong bối cảnh có Nghị quyết 98, chính thức có hiệu lực từ 1/8/2023.

Theo Hà Khánh

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên