Kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ phục hồi thị trường chứng khoán
Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng.
- 16-06-2023Triển khai những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- 31-05-2023ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm lãi suất nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp
- 07-04-2023Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 và dự báo cả năm 2023
“Khủng hoảng đa tầng - Phục hồi gập ghềnh” là bối cảnh được các chuyên gia kinh tế và tài chính - chứng khoán nhấn mạnh tại “Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức sáng nay (26/7) tại Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận, các chuyên gia đã đưa ra những từ khóa quan trọng để phục hồi mạnh mẽ hơn thị trường vốn - chứng khoán Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại, các chuyên gia kinh tế phân tích, kinh tế thế giới năm 2023 đang trong suy thoái kỹ thuật và cục bộ. Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn. Bối cảnh này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.
Do đó, Chính phủ đang tích cực phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang dư thừa, điều quan trọng là hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ vốn tín dụng “ngấm” cho DN và nền kinh tế. “Gần đây nhất là ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về tháo gỡ khó khăn cho DN. Tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành khơi thông các thị trường, giúp các DN có đơn hàng và tiếp tục vay ngân hàng...”, ông Quang nêu.
Hiện nay, các cơ quan liên quan cũng đang quyết liệt hỗ trợ DN, nhất là tháo gỡ 4 vướng mắc chính: Một là pháp lý và thực thi công vụ; Hai là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính; Ba là giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng và bốn là giữ chân người lao động. Những động thái này đã phản hồi tích cực đến thị trường chứng khoán nước ta.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán gần đây có phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Tháng 7 tăng 16% so cuối năm 2022, quy mô vốn hóa thị trường đến nay đạt 64% so với GDP. “Điều này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và DN…”, bà Nga đánh giá.
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cam kết, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường, được coi là “từ khóa” quan trọng, để vừa nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, vừa đảm bảo nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho biết, năm 2023, tăng trưởng kinh tế chỉ còn 2,1-2,4%, giảm từ mức 3-3,4% năm 2022; lạm phát (CPI) đang giảm từ 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.
VOV