Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng giữa bức tranh biến động
Quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước.
- 30-05-2022Sốt ảo, thao túng thị trường đất đai do không thông tin quy hoạch
- 30-05-2022Loạt doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ nghìn tỷ
- 30-05-2022Thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Lào
Trong tuần này, việc đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2022 là một trong những nội dung trọng tâm được Quốc hội thảo luận tại hội trường. Những con số mà Tổng cục Thống kê mới công bố về bức tranh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm sẽ là dữ liệu đầu vào quan trọng để Quốc hội xem xét, đánh giá và thảo luận.
Kinh tế 5 tháng có nhiều tín hiệu khởi sắc
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4%, còn cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019. Đáng chú ý Bắc Giang còn tăng 43%, Bắc Ninh là 20%, trên nền tháng 5 năm ngoái bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh.
Đáng chú ý không kém là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 khi tăng tới 22,6% so với cùng kỳ, tức là quy mô tăng cũng cao hơn cả cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Những dấu hiệu phục hồi kinh tế càng rõ nét hơn khi trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.
Quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, dù cao hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, nói: "Giá lương thực thực phẩm châu Âu tăng cao nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung, giá không tăng nhiều".
Với những số liệu vừa nêu của 5 tháng, một số dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý 3 sẽ là điểm nhấn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay vượt mục tiêu đặt ra là 6-6,5%, thậm chí còn cao hơn mức 7%.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt trong tháng 5
Một trong những điểm nhấn của tháng 5 là ngành dịch vụ, trong đó sức bật ấn tượng nhất là ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đã tăng đến hơn 70% so với tháng 4 và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 173.000 lượt người. Đây là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3.
Chị Sonia, du khách Pháp, nói: "Tôi rất vui khi đến đây. Đã lâu rồi tôi mới được đi du lịch. Ẩm thực và phong cảnh ở đây rất hấp dẫn".
Các đường bay quốc tế được nối lại, tạm dừng yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt là những lý do thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nước ta đăng cai tổ chức SEA GAMES 31 trong tháng 5 cũng thu hút một lượng lớn các đoàn thể thao, cổ động viên trong khu vực đến tham gia thi đấu kết hợp du lịch, trong đó, Hà Nội - nơi diễn ra nhiều môn thi đấu nhất, thu hút 85.000 lượt khách quốc tế trong tháng 5.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội, chia sẻ: "Qua sự kiện này, mỗi vận động viên, mỗi du khách đến Hà Nội sẽ là các tuyên truyền viên. Qua trải nghiệm của bản thân, họ sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế".
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 365.000 lượt, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, lượng khách đến từ châu Úc và châu Mỹ là tăng mạnh nhất, lần lượt với các mức tăng là hơn 2.900% và trên 2.100%, tiếp sau đó là khách đến từ châu Âu, tăng hơn 975%.
Hình minh họa.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, cho biết: "Cùng với việc tăng số khách, chúng ta cũng phải tăng doanh thu trên khách. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm mới hơn, thu hút hơn nhưng quan trọng nhất là tập trung vào các thị trường chiến lược".
Đi cùng với sự gia tăng về lượng du khách quốc tế, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam cũng được cải thiện. Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), chỉ số này của Việt Nam năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.
Không chỉ ngày càng nhiều du khách quốc tế mà càng nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chọn Việt Nam là điểm đến. Con số FDI tăng cao nhất 5 năm là minh chứng rõ nhất. Theo khảo sát mới đây của HSBC, nhiều công ty FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới. Xu hướng này được cho là không phải tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài. Đáng chú ý là sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, hứa hẹn tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi nền kinh tế.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: "Đây không phải là chuyện tương lai mà thực tế đang diễn ra rồi. Chúng tôi đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ đưa khoảng 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư và phản hồi của doanh nghiệp là rất tích cực. Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực".
Không chỉ đà phục hồi bằng nội lực nền kinh tế mà trong nửa cuối năm, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cũng sẽ dần ngấm vào hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và hộ kinh doanh, tạo ra tác động lan toả. Ngay cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị định số 34 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Thời gian gia hạn từ 3 đến 6 tháng tùy từng loại thuế. Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng cao, giúp giảm áp lực về tài chính của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Gia hạn nộp thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, chính sách gia hạn nộp thuế rất có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây thực chất là khoản vay không tính lãi của Nhà nước cho doanh nghiệp trong vòng 3 đến 6 tháng.
Ông Trần Văn Bích, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác tài sản PSA, cho biết: "Chúng tôi đã có thêm nguồn tiền chưa phải nộp thuế theo hạn hàng tỷ đồng hàng tháng, để chúng tôi tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mua vật tư tiêu hao, thanh toán cho các nhà cung cấp kịp thời trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn".
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Đối tượng gia hạn nộp thuế được kế thừa từ chính sách gia hạn của năm 2021. Đó là các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục rất đơn giản.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế, nói: "Người nộp thuế chỉ cần nộp giấy đề nghị gia hạn với cơ quan quản lý thuế trực tiếp, chậm nhất là 30/9/2022. Tổng cục Thuế cũng sẽ có công điện chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế để họ nắm được chính sách và thụ hưởng chính sách này. Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận xử lý nhanh chóng, phân loại, tổ chức đôn đốc thu nộp đầy đủ số thuế này ngay sau khi gia hạn kết thúc".
Dự kiến sẽ có khoảng trên 140 nghìn doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế năm 2022, với số tiền ước tính khoảng trên 123 nghìn tỷ đồng.
Ngày 30/5, chia sẻ với phóng viên bản tin bên lề hội trường, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm và bày tỏ kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nỗ lực trong những tháng cuối năm để có thể hoàn thành được các mục tiêu đã đặt ra.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Tôi hi vọng tới đây thực hiện NQ43 của Quốc hội, Chính phủ sẽ mạnh dạn phân cấp phân quyền hơn nũa để gắn trách nhiệm địa phương, để phát huy hiệu quả hơn nữa.
Ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đối với những doanh nghiệp cần cổ phần hoá phải tập trung, và xử lý nghiêm người doanh nghiệp không muốn, không chịu hoặc làm ì ạch cổ phần hoá.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Nếu chúng ta thực hiện nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát trong khuôn khổ cho phép, và khi kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô thì tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt mục tiêu.
Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ dành ra 2 ngày cuối tuần là thứ 5 và thứ 6 để thảo luận ở hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022 và các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
VTV