MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam cần tránh tình huống thất bại kép?

Khởi đầu năm 2020, kinh tế toàn cầu và Việt Nam đối diện với ảnh hưởng tiêu cực của dịch nCoV.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Ngày 5/2, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, Chính phủ đã đưa ra những dự tính ban đầu về tác động của bệnh dịch virus conona (nCoV) đối với nền kinh tế, cùng yêu cầu các bộ, ngành chức năng chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó.

BizLIVE tham vấn nhanh nhận định của các chuyên gia về khả năng tác động của bệnh dịch nCoV, những hướng giải pháp mà Việt Nam có thể tính đến để nền kinh tế vượt qua thử thách này.

CHI PHÍ CHỐNG DỊCH KHÔNG LỚN BẰNG CHI PHÍ BỞI SỰ SỢ HÃI

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Quyết định của Thủ tướng về việc chưa thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế  cả năm là có thể hiểu được. Điều này thể hiện ý chí chính trị và có sự nỗ lực để hoàn thành mục tiêu gắn với các giải pháp cụ thể.

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra vẫn diễn biến khó lường. Theo đó, việc nỗ lực hết mình để làm sao vừa dập được dịch vừa giảm thiểu được thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh này đối với kinh tế là mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, mặc dù dịch bệnh có thể có những diễn biến khó lường ở phía trước song chắc chắn tác động của nó đến hầu hết các ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế từ gián tiếp đến trực tiếp đều mang ý nghĩa tiêu cực. Đặc biệt, mức độ tác động đối với một số ngành tương đối nghiêm trọng.

Do đó, chắc chắn trong quý I dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam hay khu vực đều có xu hướng tiêu cực. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong quý I/2020 là điều rất khó khăn.

Đến thời điểm này, Chính phủ đã bắt đầu vào cuộc, nhiều bộ, ngành đã đưa ra những định hướng chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Thủ tướng về việc ổn định vĩ mô gắn với chính sách tiền tệ ưu tiên vào các lĩnh vực chịu thiệt hại của dịch nCoV; tính đến việc có hay không và ở mức độ nào các biện pháp kích cầu.

Nhìn vào quá khứ, không phải là không có những giai đoạn đối phó với tác động tiêu cực như: Giai đoạn chống dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu…

Đối với đợt chống dịch nCoV, Việt Nam có vị trí địa lý, quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Trung Quốc. Do đó, tác động của đợt dịch này đến Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Chính phủ đã rất quyết liệt đối với việc dập dịch, các chính sách được ban hành khá kịp thời nhưng cũng có độ bình tĩnh nhất định.

Tuy vậy, bài toán ở đây là làm sao để dập dịch mà vẫn giảm thiểu được tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Do đó, cần theo dõi, đánh giá tác động của dịch nCoV với nền kinh tế trước khi ban hành các chính sách. Đặc biệt, nên có người trong lĩnh vực kinh tế tham gia vào Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch nCoV.

Cần có các giải pháp tổng thể, giải pháp trước mắt. Những vấn đề ưu tiên và giải pháp từng bước, từng lĩnh vực gắn với những biện pháp cụ thể. Trước mắt có thể kể đến những vấn đề liên quan đến lao động, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, truyền thông...

Bài học từ những đợt dịch trước là chi phí để chống dịch và các tác động tiêu cực không lớn bằng chi phí bởi sự sợ hãi, hoang mang và hoảng loạn. Cần có sự minh bạch, rõ ràng, đầy đủ để người dân hiểu, bình tĩnh để chống dịch nCoV.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CÓ THỂ ĐƯỢC NỚI LỎNG

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính

Tác động như thế nào, có lẽ phải chờ trong tháng 2, 3 xem thế giới có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Nếu kiểm soát được thì nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường, trong đó có nền kinh tế Trung Quốc cũng như Việt Nam.

Nếu sau 2 tháng dịch bệnh tiếp tục phát triển, không kiểm soát được thì hệ quả của nó không thể lường được. Giả sử dịch bệnh ở mức độ trung bình, tức tác động nhưng không phải tác động trong một sự khủng hoảng lớn. Trong trường hợp đó, Chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp hỗ trợ như thế nào?

Tôi cho rằng, thứ nhất Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng những gói tài trợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các nông dân, đặc biệt là những vùng có xuất khẩu.

Thứ hai chính sách tiền tệ năm nay có thể được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Vì qua câu chuyện virus corona, cộng với nhiều khủng hoảng khác trên thế giới đang tác động tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các cuộc chiến tranh, khủng hoảng chính trị, quân sự ở Trung Đông, đặc biệt nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)… cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu và tác động của nó còn rất lớn.

Tôi cho rằng nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái nhiều, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Trong đó có vấn đề tìm cách giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của NHNN đối với một số đối tượng của nền kinh tế.

Với các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có du lịch, vấn đề truyền thông trên quốc tế là rất quan trọng để cho thấy Việt Nam đang kiểm soát được tác động của bệnh dịch, các điểm du lịch của mình thực sự an toàn. Chúng ta cần có những thông tin chính xách về tình hình dịch bệnh cũng như tất cả biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách.

Thứ hai cũng có thể có những gói hỗ trợ cho ngành du lịch, công ty du lịch. Chính phủ cần đầu tư để có biện pháp phòng chống, chữa trị bệnh tại vùng trọng điểm du lịch, những vùng ven biển cũng là vùng du khách Trung Quốc đến nhiều...

Với ngành giao thông vận tải, tôi đang lo ngại những hãng hàng không xử lý như thế nào khi mà du khách nước ngoài đến Việt Nam giảm đi nhiều, người dân trong nước cũng hạn chế đi lại. Theo đó, hàng không lẽ ra là lĩnh vực cần được sự quan tâm của Chính phủ.

Về việc Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trước tác động của dịch bệnh virus corona, tôi thấy có lẽ năm nay nên điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng. Như đã phân tích cho thấy dịch bệnh này đã bắt đầu tác động tới nền kinh tế. Chính phủ nên theo dõi sát sao để có sự điều chỉnh phù hợp với nền kinh tế hơn.

NHÀ NƯỚC CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Bệnh dịch virus corona chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế năm nay. Thứ nhất là ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu do Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt hàng nông sản.

Thứ hai là công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng khá lớn vì phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đợt dịch này đang làm gián đoạn nhiều hợp đồng nhập khẩu từ nước này.

Thứ ba là du lịch. Khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Theo đó, giai đoạn này ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, kéo theo đó là các ngành vận tải, khách sạn nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp nhìn chung đang trong tình trạng bất an, lo ngại dịch có thể kéo dài nhiều tháng nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu các khoản nợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh, nhưng tôi cho rằng chúng ta nên có chính sách đông bộ về nông nghiệp, thuế, giáo dục, công nông nghiệp để làm thế nào để vẫn duy trì sản xuất bởi sau khi dịch đi qua, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại thì chúng ta vẫn có thể đáp ứng.

LIÊN QUAN ĐẾN THIÊN TAI, DỊCH BỆNH LÀ KHÓ LƯỜNG TRƯỚC ĐƯỢC

TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính

Trước tiên có thể thấy dịch bệnh virus corona tác động tới 2 lĩnh vực là du lịch và giao thông vận tải là rõ ràng, chưa kể lĩnh vực liên quan tới các dịch vụ nhà hàng, điểm vui chơi. Chắc chắn dịch bệnh gây tổn hại tới nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng các nước, các nhà khoa học hàng đầu sẽ tìm cách để xử lý, ngăn chặn dịch bệnh. Dự báo là dịch bệnh sẽ lên đỉnh điểm phát triển trong khoảng tuần sau. Lên đỉnh có nghĩa là sẽ xuống trở lại. Thêm vào đó có thuốc, khẩu trang, nước rửa tay, người dân có ý thức phòng chống dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất là nếu dịch cúm kéo dài thì nhiều lĩnh vực sẽ bị đình trệ, sức mua ngành dịch vụ chắc chắn sẽ giảm. Nhiều mặt hàng của Việt Nam trước giờ vẫn lệ thuộc thị trường Trung Quốc, với nhiều lần giải cứu. Việc đi tìm thị trường khác là có nhưng thực hiện chưa đủ mạnh mẽ. Việc tiêu thụ nông sản sẽ gặp khó. Khi dịch cúm còn thì giao thương sẽ bị đình trệ, từ vùng dịch về và qua vùng dịch, nền kinh tế theo đó bị ảnh hưởng.

Trước kịch bản đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều thì cần có chính sách hỗ trợ. Các ngân hàng có thể được giao chỉ tiêu giải cứu doanh nghiệp bằng cách giãn nợ. Những doanh nghiệp có vay tiền để xây khách sạn, xuất khẩu nông sản, giờ có thể giãn nợ hoặc cơ cấu nợ trước tình thế họ không có nguồn thu.

Doanh nghiệp có thể đưa ra dự phòng cho một vài tháng nhưng dịch cúm kéo dài hơn dự đoán thì các doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch đứng trước thách thức vài tháng không có nguồn khách, họ lấy tiền đâu trả. Trong khi chi phí quản lý một khách sạn nhà hàng, resort vẫn luôn phải có để đảm bảo đạt chuẩn. Chưa kể ngành giao thông vận tải cũng bị ảnh hưởng nhiều vì người dân hạn chế đi lại.

Những vấn đề liên quan tới thiên tai dịch bệnh là những cái khó lường trước được. Cần có chính sách hỗ trợ để cho doanh nghiệp bị bệnh phục hồi rồi tính tiếp.

NẾU ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU, CÓ THỂ SẼ THẤT BẠI KÉP

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Với ảnh hưởng của dịch nCoV, đa số các dự báo đều cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 1 đến 1,5 điểm phần trăm trong quý I/2020, trong khi tăng trưởng chung toàn cầu được dự báo có thể giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm.

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng sẽ có tác động tới 8 lĩnh vực chính bao gồm: du lịch, thương mại, y tế, giao thông, dịch vụ bán lẻ, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các ngành sản xuất theo chuỗi và dịch vụ tài chính.

Theo đó, chắc chắn trong quý I và quý II tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Mức ảnh hưởng chúng tôi chưa lượng hóa cụ thể nhưng có thể sẽ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức giảm chung của thế giới.

Về giải pháp thì hiện nay, ưu tiên số 1 của vẫn là phòng và chống bệnh. Chúng ta cần làm thật tốt những chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ ngành, nhất là bộ Y tế. Tất cả các ngành, địa phương phải vào cuộc vì nó ảnh hưởng sâu rộng đến cả mặt kinh tế và xã hội.

Còn về câu hỏi liệu chúng ta có nên điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế trong năm nay hay không, thì tôi cho rằng hiện tại thì chưa nên.

Trước mắt, chúng ta phải ưu tiên chống dịch đã. Bên cạnh đó, tinh thần là phải quyết liệt, cố gắng, chứ nếu điều chỉnh giảm ngay thì chúng ta có thể sẽ thất bại kép. Thứ nhất là thất bại về mặt tinh thần, tư tưởng; và thứ hai là thất bại tạo ra tính ỷ lại và do đó, tăng trưởng cả năm có thể sẽ thấp hơn so với mức thực tế đáng ra chúng ta có thể làm được.

Bên cạnh đó, chúng ta chắc chắn phải tính đến các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn này, như hỗ trợ giảm khó khăn với xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch.

Riêng ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng mới đây đã có chỉ đạo hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu các khoản nợ đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần đề xuất để làm sao sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương phải nhuần nhuyễn hơn nữa.

Đối với dịch nCoV, thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng ở thế thụ động. Tuy nhiên, ngay từ giữa tháng 1 Việt Nam đã có những biện pháp, chủ động quyết liệt, vì thế dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.

#ICT_ANTI_NCOV

Theo PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên