Kinh tế Việt Nam có tiếp tục duy trì được vị thế "điểm sáng" trong khu vực?
Những quý đầu năm 2023, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng dương cùng với các chính sách thúc đẩy nền kinh tế.
- 24-09-2023Mức độ tự do của kinh tế Việt Nam xếp thứ bao nhiêu trên thế giới?
- 20-09-2023OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,9% năm 2023
- 19-09-2023Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải tạo những cú hích lớn về năng suất lao động"
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã liên tiếp đón nhận các tin vui, đơn cử như việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng tầm lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó, thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế cũng đã có sự phục hồi tích cực với thanh khoản tăng mạnh… và được các tổ chức uy tín đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng trong khu vực châu Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những lo ngại về các yếu tố bên ngoài như lạm phát và tỷ giá USD gần đây tăng trở lại, FED đã quyết định chưa tăng thêm lãi suất nhưng không cam kết sẽ dừng việc tăng nữa hay không… Và thực tế, thị trường chứng khoán cũng đã phải đối mặt với các phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây. Liệu thị trường có duy trì được vị thế là "điểm sáng" của khu vực trong thời gian tới?
Trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, thị trường sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh thuộc top khu vực và thế giới thì cũng sẽ có sự điều chỉnh nhất định, nhưng về dài hạn sẽ vẫn là "điểm sáng" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy, dù kinh tế thế giới còn những khó khăn nhất định nhưng kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến thuận lợi, các ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): Trong thời gian vừa rồi, một trong những cụm từ mà tôi thấy nhiều nhà kinh tế hay đề cập đến nhất khi nói về kinh tế Việt Nam là những điều xấu đã qua và điều đó được thể hiện qua khá nhiều chỉ số quan trọng. Chẳng hạn như cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam thặng dư khá lớn, đồng thời lãi suất liên tục có xu hướng giảm. Chỉ số PMI cũng lần đầu tiên sau nhiều tháng lên trên mức 50 điểm và đi kèm với đấy là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá tốt, tăng trưởng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Tôi cũng đồng ý với anh Long và muốn bổ sung thêm là mới đây thôi tổ chức OECD đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế tháng 9, và nếu so với hồi tháng 6 thì thấy rằng dần đến cuối năm này, các nền kinh tế lớn, đặc biệt là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều có những yếu tố tốt hơn. Ngoài ra, mới đây Thủ tướng Nhật Bản cũng nói rằng sắp tới Nhật Bản sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Nhật. Như vậy là những yếu tố về phía quốc tế đang rất thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong quý cuối năm này, cũng như có thể kéo qua những tháng đầu tiên của năm 2024.
BTV Mùi Khánh Ly: Với những diễn biến tích cực như vậy, theo các ông đánh giá thì nền kinh tế Việt Nam có thể bứt tốc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay không thưa hai ông?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): 6 tháng đầu năm, GDP của chúng ta mới được khoảng độ 3,5 - 3,7%, so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 6,5% thì đồng nghĩa với việc quý III và quý IV, tốc độ tăng trưởng sẽ phải đạt từ 8-9%. Tôi thấy rằng, quý III và quý IV chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh so với cả giai đoạn đầu năm, nhưng để đạt được mức từ 8 - 9% thì sẽ rất thách thức. Chúng ta nhìn vào những cấu phần thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thì sẽ thấy, ví dụ như đầu tư công tăng trưởng tốt 23% so với mọi năm nhưng tiêu dùng chỉ tăng trưởng xấp xỉ 10%, so với giai đoạn trước COVID-19 thường là 12 - 15%.
Ngoài ra, chúng ta thấy có một khối tăng trưởng suy yếu trong những năm gần đây, đó là khối xuất nhập khẩu đặc biệt là liên quan đến khối FDI… điều này cũng không hẳn có nguyên nhân đến từ phía Việt Nam mà đa phần đến từ việc nhu cầu giảm của các bạn hàng lớn nhất. Tất nhiên từ giờ đến cuối năm, chúng ta hy vọng sẽ có những bước phục hồi nhất định. Nhưng tôi nghĩ rằng kể cả trong trường hợp chúng ta đạt được một mức độ thấp hơn thì nó vẫn sẽ tạo đà cho năm sau, khi kỳ vọng về phục hồi kinh tế không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Mục tiêu hồi đầu năm của Chính phủ là 6,5% nhưng do nửa đầu năm kinh tế tăng trưởng chậm lại thì như anh Long nói, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong quý III và quý IV này. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng mới đưa ra nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,8% hay 6%. Vào quý III và quý IV, nhu cầu ở các nước, các thị trường lớn của Việt Nam về xuất khẩu thì họ cũng bước vào mùa tiêu dùng cuối năm. Một điểm nữa đó là lạm phát của Việt Nam năm nay được kiểm soát tốt, xoay quanh khoảng 4%. Giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm cũng đã đạt khoảng bốn mươi mấy % mục tiêu rồi thì hy vọng trong những tháng cuối năm, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa đó là tâm lý của người dân và của doanh nghiệp, chỉ cần có niềm tin vào sự khởi sắc thì lúc đó chi tiêu tiêu dùng của họ sẽ được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong mấy tháng cuối năm này.
BTV Mùi Khánh Ly: Trước những diễn biến từ nền kinh tế thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có những phản ứng tích cực và đang được coi là "điểm sáng" của khu vực Châu Á, theo các ông nhận định này có hợp lý?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): Theo thống kê từ BSC chúng tôi về tăng trưởng của các thị trường trong khu vực Châu Á từ đầu năm đến giờ, có thể thấy VN Index đã tăng trưởng khoảng 21% và ở mức khá cao so với những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung thì đa phần các chỉ số chứng khoán đều giảm. Một số quốc gia thậm chí là giảm khá mạnh như là một số chỉ số ở Hong Kong (Trung Quốc) hay Thượng Hải (Trung Quốc) đều giảm trên 10%, các thị trường khác như Philippines hay Malaysia cũng đều giảm từ 7-8% từ đầu năm đến nay.
Như vậy có thể thấy phần nào thị trường chứng khoán của chúng ta đã phản ánh trước những diễn biến khả quan của nền kinh tế. Thêm vào đó, những chính sách của Việt Nam thi hành trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng cũng như các chính sách tiền tệ cùng hướng giảm lãi suất cũng đã thúc đẩy thêm vào mức độ phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, việc Việt Nam có thể đi vào vận hành hệ thống KRX vào cuối năm nay, sẽ tạo một nền tảng tốt cho thị trường cũng như đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng những yêu cầu cao hơn của thị trường… từ đó Việt Nam cũng sẽ tiến bước trở thành một thị trường mới nổi đúng nghĩa.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Đúng như anh Long chia sẻ, từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index đã tăng tầm 21%, 22%, thuộc top đầu tăng trưởng rồi. Nếu tính trung bình ở các thị trường chứng khoán khác thì chỉ khoảng chừng 10%, 12% thôi. Nhưng theo tôi thị trường sẽ còn tiến xa hơn nữa, bởi khi tôi thống kê lại trong trong 5 năm qua, chỉ số VN Index mới tăng khoảng chừng 25% - 26% thôi, nguyên nhân là do có một đợt giảm rất mạnh của năm 2022, do vậy thị trường sẽ còn xu hướng tăng trong dài hạn. Ngoài ra, chỉ số chứng khoán cũng thể hiện niềm tin về nền kinh tế, về lợi nhuận và tăng trưởng của các doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư, tổ chức hay cá nhân người ta có một niềm tin rằng các nền kinh tế sẽ phát triển, các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng về lợi nhuận thì chắc chắn là chỉ số VN Index sẽ tiếp tục tăng trưởng.
BTV Mùi Khánh Ly: Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những lo ngại về các yếu tố bên ngoài như lạm phát và tỷ giá USD gần đây tăng trở lại… FED đã quyết định không tăng thêm lãi suất nhưng cũng không cam kết sẽ dừng việc tăng nữa hay không? Theo các ông thì sao ạ?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): Tôi thấy trong các quá trình phục hồi của nền kinh tế thì không có con đường nào là bằng phẳng cả. Và nếu chúng ta so sánh những khó khăn chúng ta có ở hiện tại với những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt vào thời điểm này năm ngoái chúng ta sẽ thấy thực ra bối cảnh đã khác nhau rất nhiều. Những điều gần đây thị trường hay quan tâm như diễn biến lạm phát có quay trở lại không do một số hàng hóa cơ bản tăng, đặc biệt là giá dầu và lương thực.
Thứ hai là các yếu tố liên quan đến lãi suất thì hiện mức lãi suất ở Mỹ đang là mức lãi suất cao tương đương với thời kỳ 2008, do đó, đồng USD cũng đã duy trì một vị thế rất mạnh. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại cách đây 1 năm thì thấy các yếu tố ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều, thêm vào đó chúng ta đã xuất siêu được hơn 20 tỷ USD. Và trong thời gian gần đây, Việt Nam có rất nhiều những cuộc gặp gỡ nguyên thủ các quốc gia lớn trên thế giới như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rồi Singapore thì những yếu tố liên quan đến đầu tư nước ngoài đã và đang thuận lợi trở lại. Tháng 8 vừa rồi vốn giải ngân cũng như là đăng ký FDI mới cũng đã tăng trở lại. Điều này cho thấy sức ép liên quan đến tỷ giá là có, nhưng sẽ không phải là một yếu tố quá trọng yếu tác động đến thị trường.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Về thị trường chứng khoán, đúng là khi ở một mức đạt được một tỷ suất lợi nhuận mong muốn rồi thì thường các tổ chức, các nhà đầu tư lớn họ có thể tái cấu trúc lại danh mục của mình. Trong trường hợp đó, có thể có tạo ra một đợt điều chỉnh sâu và nếu tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân mà không vững thì có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Lãi suất ở thị trường quốc tế mặc dù là FED không tăng thêm nhưng mà họ vẫn bỏ ngỏ khả năng có thể tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa. Và mặc dù Chủ tịch của FED có nói rằng khả năng cao kinh tế Mỹ chuẩn bị hạ cánh mềm, nhưng sự bất định vẫn là Mỹ có tăng thêm lãi suất từ nay đến cuối năm nữa hay không? nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu và chắc chắn là trong đó có Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Thực tế những lo ngại về tỷ giá hay lãi suất…cũng đã khiến thị trường đối mặt với các phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây. Liệu thị trường có duy trì được vị trí là "điểm sáng" của khu vực trong thời gian tới?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): Theo đánh giá của chúng tôi thì Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia có chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất trong năm nay. Nhưng mức độ tăng trưởng của 3 tháng cuối năm thì có thể sẽ không được nhiều như của giai đoạn 9 tháng vừa qua. Tôi nghĩ việc này cũng rất bình thường, vì 9 tháng vừa qua thì thị trường chúng ta gần như đã tăng với mức độ trong top 10 các chỉ số tăng nhanh nhất thế giới. Và kể cả trong nước, cũng như nước ngoài cũng vẫn sẽ cần nhìn thấy sự phục hồi thể hiện không chỉ ở trên bảng giá thị trường chứng khoán mà phải thể hiện thực sự ở trong nền kinh tế thật. Tôi thấy triển vọng của năm 2024 sẽ tốt hơn khá nhiều về mặt kinh tế vĩ mô so với 2023 và như vậy thì với việc kinh tế vĩ mô đang dần dần phục hồi, thị trường chứng khoán cũng sẽ tích cực theo.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Đối với các đầu tư chuyên nghiệp khi có các số liệu thực tế đã thực hiện thì lúc đấy họ bắt đầu điều chỉnh các kỳ vọng cho một giai đoạn tiếp theo. Thời gian vừa qua đối với thị trường của Việt Nam, những kỳ vọng đã phản ánh đúng với diễn biến của nền kinh tế, tuy nhiên nói về giai đoạn tiếp theo thì phải chờ số liệu của quý III, quý IV. Nhưng tôi thấy rằng, đối với năm 2024 khi kinh tế Mỹ bắt đầu có những ổn định, lãi suất không tăng nữa, kinh tế Trung Quốc bắt đầu đi vào một chu kỳ mới, sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy, những nhóm ngành nào được hưởng lợi và nhà đầu tư nên quan tâm vào lúc này?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC): Khi VN Index năm ngoái rơi vào khoảng tầm 880 cho đến 940 điểm thì từ khu vực đó đến mức 1.200 điểm là VN Index đã tăng khá mạnh rồi, nên đa số các ngành hay là các mã cổ phiếu, đặc biệt những mã cỡ vừa trở lên thì đều có mức độ tăng trưởng khá tốt. Do vậy, khó có thể có một mức giá rẻ hay là đặc biệt là hấp dẫn như giai đoạn trước nữa. Nhưng đâu đó thì tôi thấy vẫn sẽ có những kỳ vọng về tăng trưởng và đặc biệt là có những nhóm ngành đang có một điều kiện phát triển thuận lợi không chỉ là của năm 2023 mà có thể là của 2024 nữa. Chẳng hạn như đầu tư công hay là việc phục hồi về kinh tế sẽ giúp phục hồi bán lẻ, đặc biệt là nhóm xuất nhập khẩu, rồi gỗ, đá công nghiệp hay thép và một số loại hóa chất.
Ngoài ra, việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng lên mức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đồng nghĩa với việc sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng, chất bán dẫn, chip… Có rất nhiều những đợt tiếp xúc giữa các tập đoàn quan trọng không chỉ là từ Mỹ mà còn từ các nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và những quốc gia khác đã đến tìm hiểu thêm để mở rộng cơ hội ở Việt Nam. Thêm vào đó, chúng ta thấy khi mặt bằng lãi suất đi xuống sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán, thanh khoản gia tăng… thì nhóm chứng khoán cũng là nhóm sẽ được hưởng lợi.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp: Nói chung nước lên thì thuyền lên. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam là một trong những điểm sáng của các nền kinh tế mới nổi thì hầu như tất cả các ngành đều được hưởng lợi, Với những cập nhật mới về kinh tế Việt Nam trong nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì sẽ là một hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là về các hoạt động sản xuất mang hàm lượng công nghệ cao và các nhà máy sẽ được thiết lập ở Việt Nam nhiều hơn. Ngoài ra, những ngành nghề bổ trợ cho các ngành mà Mỹ sẽ đầu tư nhiều vào Việt Nam như là khai khoáng, đặc biệt là nguyên liệu hiếm cũng sẽ được hưởng lợi.
BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin vừa rồi!
VTV