MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải tạo những cú hích lớn về năng suất lao động"

Chuyên gia kinh tế cho rằng hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn, tập trung vào liên kết phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách đồng bộ và xuyên suốt.

Vấn đề này được nhấn mạnh trong phiên thảo luận chuyên đề “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đang diễn ra tại Hà Nội.

Thúc đẩy nâng cao năng suất lao động cần triển khai mạnh mẽ hơn

Lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp, TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng có các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.  Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải tạo những cú hích lớn về năng suất lao động" - Ảnh 1.

TS Nguyễn Lê Hoa cùng các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn KT-XH Việt Nam 2023

Thời gian qua, có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Chuyên gia này cho rằng hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn, tập trung vào liên kết phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách đồng bộ và xuyên suốt.

Nhà nước cần tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Cũng đề cập vấn đề này, ông Felix Weidencaff -  Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng tốc độ tăng năng suất bị chững lại là thực trạng chung của kinh tế toàn cầu vì nhiều nguyên nhân.

Với Việt Nam, ông nói đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong thập kỷ qua, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thị trường và nền kinh tế tri thức, công nghệ, công nghiệp 4.0; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả; tăng năng suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tránh lọt vào bẫy năng suất trung bình

Chuyên gia kinh tế quốc tế Jonathan Pincus, Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam lưu ý, việc tăng năng suất lao động cần nhìn nhận trong quá trình dài hơi thay vì trong giai đoạn ngắn.

Ông dẫn câu chuyện tại Thái Lan và Malaysia đạt được mức tăng trưởng năng suất ấn tượng là 5,6-16,3% mỗi năm giai đoạn 1989-1999. Tuy nhiên, tốc độ chững lại đáng kể từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á.

"Rất khó để một quốc gia có thể tăng trưởng năng suất nhanh trong một giai đoạn dài, đó chính là bẫy năng suất trung bình", ông Pincus gọi đây là mối đe dọa lớn.

Chuyên gia này phân tích, nguyên nhân lọt vào “bẫy” năng suất trung bình là không nâng cấp chiến lực phát triển, chậm tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Những nước này chủ yếu theo đuổi chiến lược tăng năng suất bằng sản phẩm xuất khẩu giá trị thấp và thất bại trong việc ứng dụng phát minh để có thay đổi bài bản trong ngành công nghiệp.

Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải tạo những cú hích lớn về năng suất lao động" - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế quốc tế Jonathan Pincus

Ông Jonathan Pincus nói Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình - thấp đã đạt được mức độ tăng trưởng năng suất lao động trong một thời gian dài. Do vậy, ông đặt vấn đề liệu Việt Nam có thể ứng dụng hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thay đổi chiến lược phát triển sau khi đạt được mức năng suất lao động trung bình, để tránh rơi vào “bẫy” như một số nước.

Dẫn số liệu chi phí cho việc nghiên cứu phát triển ở Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia, ông đánh giá điều này đáng lo ngại, vì chi phí này là một trong những thước đo quan trọng, đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ.

Vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ Việt Nam phải thực sự tạo những cú hích lớn trong áp dụng đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho dài hạn.

Lưu ý Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trên toàn thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ và châu Âu, ông Pincus cho rằng đây là nguồn lao động trình độ cao, giỏi công nghệ và hứa hẹn là nhà khoa học hàng đầu nên “cần thu hút họ vào các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước” để thực sự đóng góp cho sự phát triển.

Theo Hiếu Minh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên