MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam khi Anh rời EU: Trước là đòn đau, sau là cú hích

Xuất khẩu và đầu tư có thể chịu "đau" trong một thời gian để chờ nền kinh tế phục hồi, song việc Anh rời EU được nhận định là tích cực cho quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Anh.

Trao đổi với chúng tôi, TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (Đại học Ngoại thương), đã đưa ra nhận định như vậy khi bình luận câu chuyện Anh rời EU và những tác động đến kinh tế Việt Nam.

Người dân Anh đã chính thức lựa chọn rời EU, ông nghĩ sao về kết quả này?

Có hai vấn đề cần nhìn nhận trong việc người dân Anh rời EU. Theo tôi đây sẽ là bước ngoặt có thể dẫn đến nhiều sự thay đổi trong địa, chính trị thế giới. Và điều này cũng thể hiện mô hình kinh tế EU đang đứng trước thách thức có thể dẫn tới tan rã, rõ ràng nó tác động tới một số nước như vậy.

Cái lõi của vấn đề, cho thấy rõ ràng có sự không hiệu quả, nên người dân Anh mới thể hiện thái độ và đề nghị ra khỏi EU như vậy.

Trước đây, mô hình EU xuất phát điểm có thể là tốt, với nền tảng có nhiều điểm chung đồng nhất, là cộng đồng tốt. Nhưng khi cộng đồng ấy mở rộng ra, với trình độ phát triển và nguồn lực khác nhau, nên bắt đầu phát sinh vấn đề nội tại.

Trong khi người Anh thì thể hiện chính kiến của họ, họ nghĩ chắc rằng khi rời khỏi EU thì được nhiều lợi ích hơn ở lại. Thế nhưng việc người Anh ra đi, với EU lại đe dọa sự tồn tại của tổ chức này, nên sự việc này sẽ làm thay đổi cán cân cân bằng thế giới.

Ông nghĩ rằng nền kinh tế Anh sẽ tối đi hay sáng lên sau sự kiện này?

Bất kỳ vấn đề nào, quy luật là khi diễn ra nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh ảnh hưởng, và sẽ có giai đoạn bị suy giảm, Anh sẽ mất đi một số lợi ích ở EU và nhưng họ bắt đầu thương thảo lại, chủ động hơn. Nhưng về mặt quy luật, nền kinh tế Anh suy giảm trong thời gian dài hay ngắn, còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường, nhiều nền kinh tế lớn đang trong giai đoạn khủng hoảng, thì sự phục hồi có thể chậm hơn. Nhưng về lâu dài, khi vượt qua giai đoạn suy giảm thì nền kinh tế Anh sẽ đi lên, kích thích người ta tự chủ hơn, xóa bỏ rào cản hành chính mà EU đặt ra và phát triển mạnh hơn.

Vậy còn tác động của việc Anh rời EU đến kinh tế Việt Nam ra sao, thưa ông?

Quan hệ thương mại và kinh doanh thì không ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, mà tôi cho rằng ảnh hưởng đến tiến trình hiện thực hóa FTA mà Việt Nam đã ký kết với EU. Bởi hiện nay mình đang xuất siêu, nên không ảnh hưởng nhiều, và Anh cũng đầu tư vào Việt Nam nhiều. Tôi cho rằng, xu hướng về lâu dài thậm chí Anh sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn và xuất khẩu sang Anh cũng nhiều hơn.

Bởi khi lựa chọn tự chủ hơn, độc lập hơn thì người Anh sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội. Về mặt nguyên tắc, họ sẽ thúc đẩy hoạt động song phương với Việt nam nhiều hơn, thay vì trước đây bị rào cản hành chính vô hình ràng buộc. Như vậy, quan hệ thương mại 2 bên phát triển mạnh hơn.

Song như tôi đã phân tích, có thể một vài năm tới nền kinh tế Anh có thể chững lại, để thích nghi với mô hình mới và điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế với Việt Nam. Còn khi hồi phục được rồi thì quan hệ sẽ tốt hơn và có lợi cho Việt Nam về đầu tư và xuất khẩu.

Ông cho rằng về lâu dài kinh tế, thương mại có lợi nhiều hơn. Nhưng hiện nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch khá lớn tại thị trường này và Anh đang là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng Việt Nam tại EU với mức tăng trưởng trên 17%. Ông có nghĩ sự kiện này là cú giáng cho xuất khẩu Việt Nam?

Khi rời EU thì đồng bảng mất giá, đồng Việt Nam tăng lên, xuất khẩu khó khăn hơn. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là giả thiết thôi, vì phải phụ thuộc mức độ tăng trưởng 17% là do đà tăng trưởng từ tước hay do FTA Việt Nam – EU mới đây mang lại.

Chuyện đồng bảng mất giá có thể gây khó khăn cho xuất khẩu nhưng không ảnh hưởng lớn, vì Anh là thị trường khó tính, việc xuất khẩu vào được không phải dễ. Nên khi đã vào được thị trường, nền kinh tế Anh vực dậy sau sự kiện này, chuyển đổi mô hình, thúc đẩy hoạt động song phương nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn thì sẽ có lợi, là cú hích cho Việt Nam trong thương mại và đầu tư.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên