Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Điểm nhấn từ chính sách điều hành hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với sức ép lớn từ nhiều yếu tố.
Những tác nhân như nhu cầu toàn cầu yếu, căng thẳng địa chính trị kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất,… đã tạo rủi ro về thị trường, tỷ giá. Ở trong nước, nền kinh tế cũng chịu áp lực từ tiêu dùng đình trệ, sức hấp thụ dòng vốn lãi suất thấp chưa được như kỳ vọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, nền kinh tế vẫn ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng ở mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ các chính sách chủ động, linh hoạt và đúng đắn.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những lực đẩy kinh tế trong thời gian qua, cũng như những “bệ phóng” kinh tế trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty và chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng.
Lực đẩy từ thương mại và đầu tư
Chia sẻ với phóng viên, ông Shantanu Chakraborty cho rằng trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tạo ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, trong đó xuất khẩu tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động tiêu dùng nội địa vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Bên cạnh sự trỗi dậy của lĩnh vực thương mại, Giám đốc Quốc gia của ADB cho rằng các số liệu về sản xuất và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng mang lại nhiều tín hiệu sáng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 6/2024 ở mức 54,7 cho thấy triển vọng lạc quan về hoạt động sản xuất trong nước. Trong khi đó, báo cáo của ADB cũng cho thấy đầu tư FDI về cả vốn đăng ký và vốn thực hiện trong nửa đầu năm 2024 là rất tích cực.
Nhìn về cả năm 2024, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng giai đoạn nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm, một phần do các chỉ số tăng trưởng trong nửa đầu năm nay được hưởng lợi từ xuất phát điểm thấp của nửa đầu năm 2023. Mặc dù vậy, ADB vẫn tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan một cách thận trọng với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Ông Shantanu Chakraborty cho rằng đây là mức tăng trưởng khá lành mạnh giữa tình hình địa chính trị thế giới hiện nay, cùng những thách thức từ bên trong, bên ngoài đối với nền kinh tế. Theo Giám đốc Quốc gia ADB, các yếu tố bao gồm duy trì sự phục hồi thương mại trong các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực sẽ giúp kinh tế Việt Nam giữ vững sức tăng trưởng trong năm 2024. Ngoài ra, chuyên gia của ADB khẳng định tăng trưởng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ đầu tư công, các yếu tố như sự trở lại của lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định, và tiêu dùng nội địa phục hồi.
Những chính sách điều hành khéo léo
ADB đánh giá lạm phát tại Việt Nam sẽ được duy trì ổn định ở mức 4,0% trong hai năm 2024 và 2025, bất chấp áp lực dai dẳng từ căng thẳng địa chính trị và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Shantanu Chakraborty cho rằng đây là “trái ngọt” từ những động thái điều hành chính sách tiền tệ rất khéo léo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo ông, NHNN đã làm rất tốt việc duy trì một chính sách tiền tệ thận trọng trong khoảng thời gian đầy thử thách phải cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng và áp lực lạm phát. Đó là lý do tại sao Việt Nam ghi nhận lạm phát giảm trong năm ngoái nhưng GDP vẫn tăng trưởng 5,05% - là một trong những mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Để đạt được điều này là nhờ động thái giảm lãi suất rất kịp thời của NHNN, với tổng cộng ba lần giảm trong năm 2020, nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện giờ NHNN không còn nhiều không gian để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ do lãi suất thực tế đã giảm xuống mức thấp. Vì vậy, ông Chakraborty cho rằng Việt Nam cần tập trung vào chính sách tài khóa, lấy đầu tư để cải thiện nhu cầu và tăng trưởng tín dụng. Theo ông, hai chính sách tiền tệ và tài khóa cần phối hợp đồng bộ với nhau, để những lợi ích từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được chuyển thành “chất xúc tác” tích cực trong không gian tài khóa, được thể hiện qua mức độ hấp thụ tín dụng và đầu tư mạnh mẽ hơn.
Liên quan đến các chính sách thương mại, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Bá Hùng cho rằng một trong những yếu tố giúp thu hút FDI của Việt Nam tích cực hơn các nước khác là do có hệ thống các hiệp định thương mại tự do cho phép doanh nghiệp đặt tại Việt Nam được tiếp cận với nhiều thị trường trên thế giới hơn, qua đó phục vụ các mô hình đầu tư và xuất khẩu.
Mặc dù vậy, thách thức hiện nay là sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước của Việt Nam với chuỗi sản xuất xuất khẩu (chuỗi FDI) còn yếu. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp nhằm thu hút FDI, Việt Nam cũng cần tập trung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhằm khai thác nguồn vốn và phục vụ nhu cầu phát triển.
“Bệ phóng” của tăng trưởng
Trong khi được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm nay, đại diện ADB cũng chỉ ra một số rủi ro bên ngoài có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Rủi ro đầu tiên là nhu cầu toàn cầu suy giảm do tốc độ phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, từ đó làm chậm quá trình phục hồi dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác sẽ tiếp tục gây áp lực lên vấn đề tỷ giá.
Giám đốc Shantanu Chakraborty cho rằng tăng trưởng trong năm 2024 còn phụ thuộc vào việc thực hiện hiệu quả các biện pháp tài khóa và đầu tư công của chính phủ. Ông cho rằng Việt Nam cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn, để tăng cường nhu cầu trong nước, với các biện pháp khắc phục cơ cấu dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Đầu tư công sẽ là “chìa khóa” đầu tiên, với việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giải ngân 27,3 tỷ USD vốn đầu tư công trong năm tài chính hiện tại, với rất nhiều dự án chiến lược quan trọng. Đầu tư công không chỉ giúp thúc đẩy nhu cầu và việc làm, mà còn tác động tích cực đến các ngành phụ thuộc khác như xây dựng, hậu cần và vận tải. Đây sẽ là công cụ đưa Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào chính sách tiền tệ.
Động lực thứ hai là cải cách nhằm tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh và đảm bảo rằng Việt Nam tiếp tục duy trì các lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nhiều quốc gia khác trong khu vực đang đầu tư xây dựng những cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Họ thực hiện chính sách giảm thuế và đưa ra nhiều ưu đãi khác nhau để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và ngành công nghiệp bán dẫn.
Giám đốc Quốc gia ADB Shantanu Chakraborty đánh giá đây là hai động lực chính để Việt Nam duy trì đà phát triển bền vững nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra trong tương lai gần.
Báo tin tức