MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh miền núi trở thành quán quân về tăng trưởng kinh tế

Tỉnh miền núi trở thành quán quân về tăng trưởng kinh tế

Theo đó, địa phương này ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, qua đó nâng mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 14,14%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam 6,43% trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ thấp hơn mức cùng kỳ 2022. Trong giai đoạn này, hầu hết địa phương trên cả nước đều chứng kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 

7 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10% bao gồm Bắc Giang, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Phòng, Trà Vinh và Hải Dương. 

Số liệu công bố tại hội nghị thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 14,14% đứng đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch. 

Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch. 

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 đến nay. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng năm nay ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng của Bắc Giang tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 315.140 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ, bằng 61,2% dự toán.

Nhờ lợi thế về hạ tầng, môi trường kinh doanh, Bắc Giang lại tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, địa phương này đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về thu hút vốn FDI. 

Tính đến 15/6, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 1.300 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi, bằng 88% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 851 doanh nghiệp và 79 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới, giảm 5,4% so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 7.615 tỷ đồng giảm 44,3%.

Kết quả tích cực này được cho là bởi tỉnh đã chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như xử lý những vấn đề còn tồn đọng, phát sinh mới nhất về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa…; đồng thời tỉnh đã nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Sở Ngoại Vụ tỉnh Bắc Giang, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh được dự báo sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu…

Thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm so cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu.

Vì vậy, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, cũng như phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất đối với các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2024.


Khánh Linh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên