MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, được kết nối qua cầu truyền hình với Việt Nam vào ngày 13/4. Báo cáo cho rằng, năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ xuống 6,2% trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại vững chắc.

Triển vọng trung hạn của Việt Nam được nhìn nhận theo hướng tích cực trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro trong và ngoài nước. Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ phát triển dài hạn nếu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất. Tâm lý bảo hộ và những rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ ở các nền kinh tế lớn cũng là những rủi ro lớn cho nền kinh tế đã rất mở của Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm. Về ngân sách, tình hình ngân sách sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, bên cạnh đó quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế tăng nợ công.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á -Thái Bình Dương cho biết: “Các chính sách phù hợp và viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần đã giúp các nước đang phát triển trong khu vực duy trì tăng trưởng và giảm nghèo. Nhưng nếu muốn duy trì sức bật này thì các nước phải tìm cách giảm mức độ dễ bị tổn thương về tài khoá, đồng thời nâng cao chất lượng chi công và tăng cường hội nhập toàn cầu, hội nhập khu vực.”

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á -Thái Bình Dương cho rằng: “Mặc dù viễn cảnh thuận lợi như vậy, nhưng sức bật toàn khu vực còn phụ thuộc vào việc các nhà lập chính sách có khả năng nắm bắt và điều chỉnh cho phù hợp với các bất ổn toàn cầu và yếu kém trong nước như thế nào. Các nhà lập chính sách cần ưu tiên các biện pháp đối phó với các rủi ro toàn cầu có thể đe dọa nguồn vốn từ bên ngoài và chi phí đi vay các nguồn vốn đó. Ngoài ra cũng cần chú ý đẩy mạnh xuất khẩu; Cần tập trung tăng cường chính sách và khung thể chế hướng tới tăng năng suất lao động.”

Theo báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, viễn cảnh chung các nước đang phát triển khu vực Đông Á sẽ duy trì ở mức tích cực trong vòng 3 năm tới nhờ cầu nội địa mạnh, kinh tế toàn cầu dần hồi phục, giá hàng hoá nguyên vật liệu tăng trở lại. Nhờ tăng trưởng đều, thu nhập của người lao động tăng lên, tình trạng nghèo trong khu vực cũng sẽ thuyên giảm.

Báo cáo kêu gọi áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm đối phó với các rủi ro kinh tế trong khu vực. Báo cáo cho biết, tăng thu ngân sách tại các nền kinh tế lớn sẽ giúp chính phủ thực hiện các chương trình thúc đẩy tăng trưởng và hoà nhập đồng thời giảm rủi ro về bền vững tài khoá.

Một số nền kinh tế nhỏ xuất khẩu nguyên vật liệu cần thực hiện các bước nhằm nâng cao khả năng thanh toán tài khoá. Lạm phát tăng, mặc dù với một xuất phát điểm thấp, cùng với dòng vốn không ổn định sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước phải điều chỉnh lại chính sách tiền tệ kích cầu của mình.

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến cáo các nhà làm chính sách nên hướng tới một quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn bằng cách cắt giảm ô nhiễm gây ra bởi phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tại các nước trong khu vực.

Theo Nguyễn Hồng Điệp

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên