MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập

Năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, lo ngại khủng hoảng kinh tế, Việt Nam được dự báo tăng trưởng và xuất siêu kỷ lục bên cạnh những dấu ấn về CPTPP, EVFTA và WEF.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 1.

Ngày 23/10, 99,79% đại biểu Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2020. Nghị quyết xác nhận kết quả cũng được thông qua ngay sau đó.

"Dưới cờ đỏ Tổ quốc, trước Quốc hội và nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tuyên thệ.

Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch nước vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IV sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột từ trần ngày 21/9. Trong thời gian đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 2.

Ngày 12/11, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định này sau Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico, Australia và Singapore.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 3.

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019. Ảnh: VGP.

Theo quy định, sau khi thông báo chính thức cho New Zealand (quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định) vào ngày 15/11, CPTPP sẽ có hiệu lực với Việt Nam sau 2 tháng, tức vào ngày 14/1/2019.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chính thức hưởng lợi thuế quan từ hiệp định CPTPP kể từ ngày 14/1/2019.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 4.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt mức 7%, là mức cao nhất trong vòng 10 năm kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 7%. Tương tự, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng đưa ra mức dự báo khả năng đạt được mức tăng trưởng 7%.

Các tổ chức quốc tế như WB cũng tăng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,8%.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 5.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12, Việt Nam xuất siêu 6,9 tỷ USD. Dự báo năm 2018, Việt Nam xuất siêu kỷ lục. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017 xuất siêu ở mức 2,72 tỷ USD, cả năm đạt mức 2,92 tỷ USD.

Tính đến ngày 15/12, cả nước nhập khẩu hơn 226 tỷ USD hàng hóa và xuất khẩu trị giá 233 tỷ USD.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 6.

Xuất siêu kỷ lục. Ảnh: VnEconomy.

Trong số 31 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt có tới 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD tính đến hết 15/12.

Khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu trên 164,8 tỷ USD và nhập khẩu về tương ứng hơn 135,8 tỷ USD. Thặng dự thương mại của khối này ở mức 28,9 tỷ USD. Như vậy, tính chung thặng dư thương mại của cả nước chỉ bằng 1/4 thặng dư thương mại mà khối FDI mang về.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 7.

Ngày 17/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA dự kiến cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu 2019.

EVFTA được kỳ vọng phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ này, tức là trước tháng 5/2019 – thời điểm diễn ra cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 8.

Từ 11-13/9, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN và thế giới.

Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF đánh giá, Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF, cả về mặt nội dung và công tác tổ chức. Không chỉ hàng nghìn người trên hội trường theo dõi mà nhờ công nghệ 4.0, WEF đã tương tác 90.000 người theo dõi trực tiếp.

Qua khoảng 55 phiên thảo luận, lãnh đạo các quốc gia và doanh nghiệp đã tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 9.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu với tuyên bố đánh thuế tất cả các nhập khẩu các mặt hàng nhôm, thép từ Trung Quốc vào 1/3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 22/3, Trump ký ghi nhớ áp thuế 25% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá 50 tỷ USD, sau đó là 250 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế.

Trong hơn 9 tháng qua, nhiều lần Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố áp thuế và các biện pháp trả đũa lẫn nhau cả thương mại và phi thương mại.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 10.

Lo ngại chiến tranh thương mại. Nguồn:Financial Times.

Tính bất định của cuộc chiến và những diễn biến vượt ra khỏi những vấn đề thương mại tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư. Ngay sau mỗi tuyên bố của Trump, Dow Jones trực tiếp chịu ảnh hưởng như bốc hơi hơn 400 điểm trong tuyên bố đầu tiên.

Việt Nam không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của cuộc chiến. Nhiều cảnh báo được đưa ra khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở 200% GDP và đang thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Sự dịch chuyển dòng vốn và thay đổi trật tự thế giới sẽ tác động tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm 2018 cũng nằm trong "vùng trũng" lo ngại của cuộc khủng khoảng kinh tế có tính chu kỳ 10 năm. May mắn khủng hoảng kinh tế chưa xảy ra vào năm nay nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thế giới cũng như Việt Nam không nên ngừng cảnh giác trước nguy cơ này.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 11.

Năm 2018 chứng kiến nhiều tranh cãi pháp lý gay gắt liên quan đến các dự thảo luật, các đề xuất tăng thuế...

Gây tranh cãi gay gắt trong năm 2018 là dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa XIV hồi tháng 5. Trong đó, 3 khu vực được dự kiến thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 12.

Vân Đồn - một trong 3 đặc khu theo dự thảo. Ảnh: Zing.

Nội dung thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm, được cho là quá dài và ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Trước những quan điểm trái chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội cho phép lùi thời gian thảo luận để có thời gian tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đặc khu không được thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và đến nay, dự thảo Luật này tiếp tục được lùi lại.

Tháng 4/2018, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Dự thảo của Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản 0,3-0,4% là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Đề xuất này gặp sự phản ứng của dư luận. Các ý kiến phản đối cho rằng mức đánh thuế đó là chưa phù hợp và “tận thu”. Sau đó, Bộ Tài chính lên tiếng cho biết Bộ sẽ kéo dài thêm thời gian xây dựng dự thảo Luật.

Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, kể từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Thuế của các mặt hàng dầu cũng tăng.

Trước đó, đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong đó có các phản đối cho rằng tăng gánh nặng thuế phí lên người dân cùng lo ngại tác động lên giá cả.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 13.

Đầu tháng 10, Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 30 thu hút FDI. Khác với thời gian qua, giai đoạn tới Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh trong chiến lược thu hút FDI. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thu hút đầu tư FDI theo hướng hợp tác, chủ động, bình đẳng có tính lựa chọn của Việt Nam. "Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta cũng chấp nhận", Thủ tướng nói.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 14.

Công nhân may làm việc tại nhà máy. Ảnh: Reuters.

Nhấn mạnh về tư duy trong thời kỳ mới, người đứng đầu Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư trong nước có thể chủ động hợp tác, góp vốn, mua lại các dự án FDI để tận dụng công nghệ, kỹ thuật, thị trường, kênh phân phối...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thành báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trình Chính phủ báo cáo để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về định hướng thu hút FDI đến năm 2030.

Kinh tế - xã hội 2018: Những dự báo kỷ lục và dấu ấn hội nhập - Ảnh 15.

Sau các năm liên tiếp tăng bậc tại bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm nay, xếp hạng của Việt Nam tụt 1 bậc, đứng thứ 69/190 nước trong diện khảo sát. Năm trước, Việt Nam vừa tăng 14 bậc, trước nữa là 9 bậc.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11,đến thời điểm này, các Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đạt 97% so với chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, đánh giá của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng các cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chưa thực chất. Nhiều điều kiện kinh doanh thay đổi về cách diễn đạt, lồng ghép, thay đổi để tránh sự chú ý... và không có ý nghĩa về mặt cải cách.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên