MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2023: Khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Sản xuất công nghiệp tháng 7 đã khởi sắc hơn, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực... Đây là những thông tin đáng chú ý trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 29/7.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của nước ta đã xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận. Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt hơn 29 tỷ USD. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 194 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022 do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt hơn 27 tỷ USD. Tính chung 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 179 tỷ USD. 7 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2023: Khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt hơn 29 tỷ USD (Ảnh minh họa: KT)

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng bảy đạt khoảng 58.000 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, trong tháng 7, cả nước có 13.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 132.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 113.000 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn bên ngoài đã tác động mạnh đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Kinh tế toàn cầu suy giảm và thắt chặt chi tiêu tại nhiều nước khiến nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.

“Kinh tế rất khó khăn và ảnh hưởng trước hết là do tình hình kinh tế thế giới. Nước ta là một nước có độ mở rất lớn, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài, do đó, tất cả đều có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nước ta. Trong bối cảnh khó khăn đó, số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng rất cao, đấy là chuyện gần như là đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta phải xem hiện nay tình hình kinh tế thế giới có một số hy vọng, lạm phát bắt đầu hạ một số nước, cầu thế giới sẽ phục hồi được phần nào giúp cho các đơn hàng tăng lên. Do vậy, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong những tháng cuối năm có thể sẽ không còn cao. Đồng thời, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có thể sẽ tăng lên so với những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023”, TS. Lê Quốc Phương phân tích.

Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua, tiêu dùng trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt hơn 512.000 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế tại Việt Nam và góp phần vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid. Người tiêu dùng rất hào hứng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương luôn luôn quan tâm đến công tác bình ổn thị trường, ví dụ những dịp có khả năng tăng giá như Tết, những tháng mưa bão thì luôn luôn có những chương trình để vận động các địa phương và doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn thị trường. Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn dựa vào những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước để luôn luôn chủ động trong mọi tình huống”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định.

Kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2023: Khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của nước ta đã xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn đã được triển khai, đã có những chuyển biến nhưng cũng phải nhìn nhận những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ. Thực tế này đồng nghĩa với gánh nặng và áp lực sẽ dồn lên những tháng còn lại của năm kế hoạch 2023.

“Để tăng trưởng kinh tế thì động lực tăng trưởng là cỗ xe tam mã. Thứ nhất là cầu, thứ hai là đầu tư công, thứ ba là xuất khẩu. Trong 3 động lực đó, cầu có ý nghĩa quan trọng, cho nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, làm sao kích cầu tăng trưởng. Vấn đề thứ hai là tăng cường đầu tư công thì Chính phủ hết sức quyết liệt, tập trung toàn bộ sức lực sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp. Động lực tăng trưởng thứ ba là vấn đề xuất khẩu, hiện nay, có rất nhiều đơn hàng còn thiếu hụt giảm rất lớn. Ba động lực quan trọng hay cỗ xe tam mã thì phải tập trung”, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất những tháng tiếp theo trong năm 2023, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ mà Quốc hội đã thông qua để các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung.

Theo Bá Toàn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên