MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ lạ cổ phiếu của công ty phá sản vẫn 'đắt hàng như tôm tươi': Giới đầu tư chi gần 200 triệu USD để 'thổi giá', tăng 300% dù vô giá trị

05-07-2023 - 13:05 PM | Tài chính quốc tế

Kỳ lạ cổ phiếu của công ty phá sản vẫn 'đắt hàng như tôm tươi': Giới đầu tư chi gần 200 triệu USD để 'thổi giá', tăng 300% dù vô giá trị

Cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 300% kể từ khi bị huỷ niêm yết, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng vừa qua đạt 4,8 triệu USD.

Cơn sốt cổ phiếu meme trên Phố Wall vẫn chưa kết thúc. Theo Financial Times, nhà đầu tư Mỹ đã chi gần 200 triệu USD để giao dịch cổ phiếu “vô giá trị” của Bed Bath & Beyond kể từ khi hãng bán lẻ đồ gia dụng này phá sản hồi đầu tháng 5.

Bed Bath & Beyond là một trong số những công ty tiêu dùng vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng lại trở thành cổ phiếu yêu thích của giới đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch. Họ đã cùng nhau kêu gọi nhau trên mạng xã hội để “thổi giá” cổ phiếu này vượt xa mức mà hầu hết các chuyên gia cho là hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh tương tự cũng tận dụng xu hướng này như một cơ hội để vực dậy hoạt động kinh doanh bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, Bed Bath & Beyond đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào đầu năm nay và bị huỷ niêm yết.

Song, số liệu của Bloomberg cho thấy, mỗi ngày, trung bình 18 triệu cổ phiếu Bed Bath & Beyond vẫn được giao dịch trao tay trên thị trường phi tập trung kể từ thời điểm họ nộp đơn phá sản. Người dùng trên diễn đàn Reddit đã chia sẻ những bí quyết đầu cơ cho nhau, thậm chí có thể giúp hãng bán lẻ này có lợi nhuận trở lại.

Xu hướng đầu cơ này diễn ra trong 1 năm chứng khoán Mỹ tăng giá bất ngờ. Trong nửa đầu năm nay, Nasdaq Composite đã tăng mạnh nhất trong 40 năm, bất chấp lãi suất đang ở mức cao. Diễn biến này đang làm dấy lên mối lo ngại rằng chứng khoán Mỹ đã quá “nóng” và được định giá quá cao.

Kỳ lạ cổ phiếu của công ty phá sản vẫn 'đắt hàng như tôm tươi': Giới đầu tư chi gần 200 triệu USD để 'thổi giá', vẫn tăng 300% dù vô giá trị - Ảnh 1.

Diễn biến giá BBBY trong 6 tháng qua trên Nasdaq (huỷ niêm yết vào đầu tháng 5).

Anthony Chukumba, nhà phân tích tại Loop Capital Markets, nhận định: “Bed, Bath and Beyond dường như là ‘sự đột biến’ của hiện tượng cổ phiếu meme. Chúng ta có thể có những cuộc tranh luận gay gắt về giá trị thực sự của cổ phiếu Tesla hay GameStop, vì đây là những doanh nghiệp vẫn làm ăn khá ổn. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thể bàn về Bed, Bath and Beyond vì không biết giá trị của cổ phiếu này là gì.”

Trong lần nộp đơn phá sản đầu tiên vào tháng 5, Bed Bath & Beyond đã báo cáo khoản nợ 5,2 tỷ USD, trong khi tổng giá trị tài sản của họ chỉ là 4,4 tỷ USD. Các cổ đông sẽ là bên cuối cùng nhận được các khoản thanh toán nợ nếu doanh nghiệp này “bán mình”.

Hơn 12.000 cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung chính của Mỹ, được quản lý bởi OTC Markets Group. Sàn này được chia thành 3 thị trường, các cổ phiếu rủi ro nhất và có mức quy định chất lượng thấp nhất sẽ được giao dịch trên “pink sheet”. Sau khi tuyên bố phá sản, 1 công ty sẽ bị huỷ niêm yết khỏi các sàn giao dịch lớn và cổ phiếu được giao dịch trên “pink sheet” với một phần giá trị ban đầu.

Việc các cổ đông có nhận được gì khi 1 công ty hoàn tất thủ tục phá sản hay không sẽ phụ thuộc vào việc các trái chủ có thể lấy lại tiền hay không. Tuy nhiên, trái phiếu của Bed Bath & Beyond đang được giao dịch ở mức 2 cent, tức là gần như vô giá trị.

Kể từ tuần trước, hãng bán lẻ này thậm chí còn không còn sở hữu thương hiệu Bed, Bath & Beyond. Nhà bán lẻ trực tuyến Overstock.com đã mua lại thương hiệu này với 22 triệu USD và công bố kế hoạch tái khởi động, giúp cổ phiếu tăng hơn 60%.

Dẫu vậy, điều này cũng không thể ngăn cản sự hứng khởi của những nhà đầu tư của Bed Bath & Beyond. Cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 300% kể từ khi bị huỷ niêm yết, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng vừa qua đạt 4,8 triệu USD.

Kỳ lạ cổ phiếu của công ty phá sản vẫn 'đắt hàng như tôm tươi': Giới đầu tư chi gần 200 triệu USD để 'thổi giá', vẫn tăng 300% dù vô giá trị - Ảnh 2.

Hãng bán lẻ đồ gia dụng của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 5.

Đây không phải doanh nghiệp phá sản đầu tiên thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ đến vậy. Họ cũng bị “cuốn” vào các giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD của các nhà cho vay đã sụp đổ như First Republic, Silicon Valley Bank và Signature Bank. Tuy nhiên, Bed Bath & Beyond vẫn là cổ phiếu phổ biến nhất với nhóm nhà đầu tư này.

Trên các bài thảo luận ở Reddit, các thành viên cũng đề cập đến Hertz. Công ty này chứng kiến cổ phiếu rớt giá mạnh sau khi nộp đơn xin phá sản vào năm 2020, nhưng sau đó lại tăng vọt trong cơn sốt cổ phiếu meme, giúp công ty này có thể huy động vốn và tái cấu trúc.

Đợt tăng giá phi mã của cổ phiếu meme hồi tháng 1/2021 bắt nguồn từ việc nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn “dạy” các quỹ phòng hộ “một bài học”. Giá tăng đột biến đã gây ra tình trạng “short squeeze” (ép mua), từ đó càng thúc đẩy cổ phiếu tăng mạnh khi các quỹ phòng hộ phải cover vị thế của mình. Hiện tại, chỉ có các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đặt cược với nhau.

Chukumba đến từ Loop Capital cho hay: “Không có quỹ nào bán khống Bed Bath & Beyond ở mức giá 25 cent. Chẳng ai mặn mà với cổ phiếu này nữa.”

Tham khảo FT

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên