MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kỳ lân" tỷ đô - Làn gió mới mang đến cơ hội phát triển vượt bậc cho ASEAN trong thời đại 4.0

11-09-2018 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

ASEAN có dân số trẻ và nhạy bén với công nghệ - nhóm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và tạo ra những bước đột phá cho nền kinh tế số của khu vực.

Từ các ruộng lúa ở Indonesia đến các bờ biển ở Singapore, khu vực Đông Nam Á đang được tiếp thêm sức mạnh của "những chú kỳ lân" – nhóm các công ty khởi nghiệp (startup) có giá trị tối thiểu 1 tỷ USD đang tự tin tiến về phía trước và sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh công nghệ của khu vực.

Với tổng dân số hơn 640 triệu người, ASEAN là khu vực có lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và cũng là một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mỗi ngày có thêm 125.000 người dùng internet mới, nền kinh tế số của ASEAN được dự báo sẽ giúp GDP của khu vực tăng thêm 1 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh đó, các startup, đặc biệt là các kỳ lân công nghệ (hiện ở ASEAN có ít nhất 7 công ty như vậy) đang rất lạc quan về tương lai.

Vậy đâu là những yếu tố vàng giúp những "chú kỳ lân" của ASEAN lớn mạnh và có thể vững bước trong giai đoạn phát triển tiếp theo?

Nền tảng kinh tế vững chắc

Nếu coi cả khối ASEAN là 1 nền kinh tế đơn lẻ, đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng GDP vào khoảng hơn 2,73 nghìn tỷ USD. Khu vực này được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay, và đến năm 2050 ASEAN có thể vượt qua Nhật Bản và EU trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

GDP bình quân đầu người của các nước thành viên đã tăng trưởng 33 lần kể từ khi khối ASEAN ra đời năm 1967, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo để được xếp vào nhóm có thu nhập trung bình.

Kỳ lân tỷ đô - Làn gió mới mang đến cơ hội phát triển vượt bậc cho ASEAN trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

ASEAN có dân số trẻ và nhạy bén với công nghệ. Theo dự báo đến năm 2020, 64% dân số của các nước Đông Nam Á sẽ thuộc nhóm dưới 40 tuổi. Nhóm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và tạo ra những bước đột phá cho nền kinh tế số của khu vực.

Ở thời điểm hiện tại, có thể kể đến những "chú kỳ lân" tiêu biểu như Traveloka (hoạt động trong lĩnh vực du lịch với CEO Ferry Unardi chưa đầy 30 tuổi), GoJek (dịch vụ đi xe chung đang mở rộng mạnh mẽ trên toàn châu Á, CEO Nadiem Makarim năm nay mới 44 tuổi) hay nền tảng thương mại điện tử Tokopedia đang bùng nổ dưới sự lãnh đạo của CEO William Tanuwijaya năm nay mới 36 tuổi.

Sự đa dạng là sức mạnh

Đặc điểm nổi bật của khối ASEAN là sự đa dạng về kinh tế, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. GDP bình quân đầu người của quốc gia giàu nhất cao gấp 45 lần của quốc gia nghèo nhất.

Sự đa dạng này tạo ra không ít thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội: khu vực này có cả những thị trường cận biên có chi phí lao động thấp và nhiều cơ hội cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là những thị trường phát triển đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và đang sở hữu những công nghệ tân tiến nhất. Các nước thành viên ASEAN xuất hiện trên nhiều bậc thang của chuỗi cung ứng.

Theo như ông Lê Lương Minh, người từng là Tổng thư ký ASEAN, mặc dù các nước thành viên có nhiều điểm khác nhau, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh của ASEAN có chung các nhu cầu và xu hướng tiêu dùng – điều cho phép các công ty xây dựng các nền tảng rộng lớn bao trùm khu vực và tận dụng lợi thế về quy mô.

Lượng người tiếp cận internet và mobile tăng chóng mặt

Mỗi tháng vẫn có hàng triệu người dùng internet mới xuất hiện ở ASEAN. Di động là "vua" với tỷ lệ thâm nhập lên tới 141%. Người dùng ASEAN dành ra khoảng 3,6 giờ mỗi ngày để sử dụng internet trên điện thoại di động. Cá biệt con số ở Thái Lan lên đến 4,2 giờ, cao hơn gấp đôi so với người dùng ở Mỹ. Người dùng internet ở ASEAN cũng dành ra 140 phút mỗi tháng cho mua sắm trực tuyến, so với con số 80 phút của người Mỹ.

Những con số nói trên cho thấy ASEAN là 1 thị trường chín muồi để các startup kỳ lân nổi lên.

Kỳ lân tỷ đô - Làn gió mới mang đến cơ hội phát triển vượt bậc cho ASEAN trong thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Các startup nổi bật trong khu vực Đông Nam Á.

Startup ở ASEAN tập trung vào lĩnh vực nào?

Sự phổ biến của điện thoại di động ở ASEAN giúp các startup về giao thông như GoJek và Grab bùng nổ. Tổng giá trị của các dịch vụ gọi xe ở ASEAN đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm, lên 5,1 tỷ USD trong năm 2017 và Google dự đoán con số sẽ vượt mốc 20 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại điện tử cũng là 1 lĩnh vực nổi trội với doanh số vượt mốc 10 tỷ USD trong năm ngoái. Có thể kể đến các kỳ lân như Lazada của Singapore, Tokopedia của Indonesia hay Sea – startup hoạt động cả trong mảng thương mại điện tử và các dịch vụ thanh toán bên cạnh nền tảng game nổi tiếng Garena. Riêng mảng game của ASEAN cũng là 1 thị trường tỷ đô được dự đoán sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 5 năm tới.

Lượng người dùng Internet tăng nhanh cũng tạo cơ hội cho các mạng xã hội phát triển. Thủ đô Jakarta của Indonesia được mệnh danh là "thành phố Twitter" năm 2012 vì có số lượng tweet nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới và cũng được gắn thẻ nhiều nhất trên Instagram.

Theo CB Insights, các công ty công nghệ ở ASEAN đã huy động được 6,5 tỷ USD trong năm 2017, so với con số 3,1 tỷ USD của năm 2016 và 1,7 tỷ USD của năm 2015.

Từ 11-13/9, Hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề "ASEAN Thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN, trong đó có cả các startup đang tạo ra sức sống mới cho kinh tế khu vực.

Thu Hương

World Economic Forum

Từ Khóa:
Trở lên trên