MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, doanh nghiệp thủy sản ‘hái ra tiền’ thế nào?

22-01-2023 - 16:32 PM | Thị trường

Dù trong quý IV/2022, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đều suy giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy vậy, cả năm 2022, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản đều có sự tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp được tính "bằng lần" so với năm đó.

Trong số các doanh nghiệp thủy sản, phải kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD (tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…đều đạt 2 con số trở lên. Nhờ vậy, các doanh nghiệp cá tra đều có một năm “ăn nên làm ra”.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 và lũy kế cả năm 2022 mà Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) vừa công bố, doanh thu đạt 1.144 tỷ đồng (giảm khoảng 7% so với quý 3/2022). Nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục trong nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp này vẫn đạt 4.896 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 40% so với năm ngoái), với lợi nhuận sau thuế đạt gần 674 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần so với năm 2021.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI tính đến hết năm 2022, doanh thu của IDI đạt 4.936 tỷ đồng (tăng 42,5% so với năm 2021). Lợi nhuận sau thuế đạt gần 500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2021.

Kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, doanh nghiệp thủy sản ‘hái ra tiền’ thế nào? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cá tra có một năm làm ăn thắng đậm

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Thủy sản Mê Kông năm 2022 đạt hơn 212 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tăng 58% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế đạt gần 17 tỷ đồng, gấp 75 lần so với năm 2021.

Trong khi đó, doanh nghiệp số 1 ngành cá tra của Việt Nam là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), tính đến hết quý III/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.190 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng, gấp 2,1 lần.

Trong quý IV/2022, doanh nghiệp này dường như đứt đà tăng trưởng khi xuất khẩu sang các thị trường đều sụt giảm. Tuy vậy, lũy kế 12 tháng năm 2022, Vĩnh Hoàn thu về khoảng 13.400 tỷ đồng doanh thu (tăng khoảng 47% so với năm 2021). Thời điểm này, Vĩnh Hoàn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022, nhưng nhìn chung kết quả năm vừa qua của doanh nghiệp này cũng hết sức ấn tượng.

Ngoài cá tra, năm 2022, ngành tôm cũng có đóng góp lớn khi đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11% so với năm trước). Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khá khả quan, song do tình hình quản trị của mỗi công ty nên bức tranh cũng có sự phân hóa.

Kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, doanh nghiệp thủy sản ‘hái ra tiền’ thế nào? - Ảnh 2.

Theo báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa công bố, doanh thu thuần đạt hơn 4.300 tỷ đồng (tăng khoảng 7% so với cùng kỳ). Khấu trừ chi phí, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn lãi sau thuế khoảng 315 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 33% so với lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm ngoái.

Doanh nghiệp số 1 trong ngành tôm Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú tính đến hết quý III/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 13.900 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng của Minh Phú tăng mạnh, nên lợi nhuận sau thuế đạt 574 tỷ đồng (chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên