Kỳ vọng 'sóng' FDI vào lĩnh vực công nghiệp ô tô
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Thông qua sự kiện Gặp gỡ doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
- 22-08-2022HSBC: Tỷ lệ triệu phú đô la trên dân số trưởng thành của các nước châu Á đến năm 2030 là bao nhiêu?
- 22-08-2022Tỉnh có thu nhập xếp thứ 62/63 nhưng luôn thuộc top đắt đỏ nhất cả nước
- 22-08-2022Giá xăng dầu sẽ tác động thế nào đến tình hình lạm phát của Việt Nam nửa cuối năm 2022?
Chiều ngày 22/8, nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, Đại sứ quán Ấn Độ đã phối hợp với Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global (Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài VAFIE) đồng tổ chức sự kiện "Gặp gỡ Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô".
Đây là sự kiện trong chuỗi sự kiện của Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) thăm làm việc tại Việt Nam với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn của Việt Nam và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam từ ngày 21/8/2022 đến 26/2/2022.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2022 là thời điểm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại lợi ích song phương trên nhiều lĩnh vực.
"Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế, giáo dục đào tạo, văn hóa và khoa học công nghệ, bổ trợ cùng nhau phát triển", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới diễn ra phức tạp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, nhằm đa dạng hóa chiến lược đầu tư. Với những lợi thế sẵn có và việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thế giới và được đánh giá là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư.
Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ đầu tư với 139 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng 35.367 dự án đầu tư và tổng vốn đăng ký đạt hơn 429 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 334 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ USD, đứng thứ 24/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hướng ngược lại, Việt Nam cũng đã đầu tư 10 dự án sang Ấn Độ với tổng số vốn đạt 6,2 triệu USD.
Song, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý rằng, mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Ấn độ vẫn còn nhiều tiềm năng và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Trong những năm gần đây, thị trường ô tô của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu xe ô tô ngày càng lớn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân và xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Hiện trên thị trường trong nước đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford,… kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết đầu tư vào Việt Nam.
"Giữa bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất sử dụng chip bán dẫn nhập khẩu, đặc biệt ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam rất mong muốn có thêm đối tác, nhà cung cấp sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam", ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin vấn đề này tại sự kiện, ông Yuvraj Kapuria, Chủ tịch YBLF (thành viên của ACMA) chia sẻ, tới Việt Nam lần này có đại diện các nhà lãnh đạo doanh nhân trẻ từ 25 doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô.
Dự kiến, cùng với việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và liên doanh tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp trẻ của Ấn Độ sẽ có các chuyến thăm nhà máy sản xuất (OEM), nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời (Tier 1), các công ty nghiên cứu và phát triển sản xuất liên quan tới ngành công nghiệp ô tô và các khu công nghiệp, khu kinh tế… để hiểu rõ hơn về thực trạng ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
"Việt Nam đã thu hút nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, bao gồm cả những OEM và Tier 1 để hướng tới thị trường toàn cầu. Vì vậy, ACMA mong muốn hợp tác tích cực với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam để cùng hợp lực, khám phá các thị trường mới hơn", ông Yuvraj Kapuria cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Invest Global phát biểu tại sự kiện.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Invest Global, với dân số gần 100 triệu dân, có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Invest Global, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe ô tô còn thấp bình quân dưới 20%, Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova), tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Bên cạnh đó, phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như: ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao là các bộ phận, linh kiện quan trọng như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái…
"Trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn. Một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering và đang hoạt động rất hiệu quả. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Ấn Độ từ Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Ấn Độ đối với thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Việt Nam trao đổi để hợp tác về thương mại và đầu tư", lãnh đạo Invest Global chia sẻ.
Nhà đầu tư