Kỳ vọng thắt chặt nợ công
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới được kỳ vọng có thể giúp tăng cường công cụ quản lý nợ công, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
- 12-06-2018Bội chi ngân sách ảnh hưởng nợ công, UBTV Quốc hội nói gì?
- 29-05-2018Bất thường một khoản nợ công
- 04-04-2018Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế?
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 3 triệu tỉ đồng nợ công, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ lên đến 4,2 triệu tỉ đồng. Riêng phần trả lãi vay hằng năm chiếm tới 7%-8% tổng chi ngân sách nhà nước. Các chuyên gia kỳ vọng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới sẽ tạo ra được các công cụ để thắt chặt hiệu quả nợ công.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu
Theo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong đó nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm 2 loại là nợ của doanh nghiệp (DN) và nợ của ngân hàng chính sách nhà nước. Như thế, nợ công theo định nghĩa của luật sửa đổi lần này không bao gồm nợ tự vay, tự trả của DN nhà nước. Điều khoản này nhằm bảo đảm hoạt động bình đẳng giữa các loại hình DN theo quy định của Luật DN.
Hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực có nợ công chiếm tỉ lệ cao nhất Ảnh: TẤN THẠNH
Một điểm đáng lưu ý khác là luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ; tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân trong các hoạt động liên quan đến vay, trả nợ công. Tuy vậy, luật cũng gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Với riêng vay vốn ODA, luật quy định nhiệm vụ chủ trì, thực hiện vay được giao về Bộ Tài chính, thay vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư như trước đây, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Đưa ra ngưỡng cảnh báo nợ công
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đưa ra quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. "Việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động" - Thứ trưởng Mai nói.
Một điểm mới khác là luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ này được lập để bảo đảm nguồn ngoại tệ trả nợ và được duy trì bằng các quy định cụ thể về yêu cầu quản lý quỹ, nguồn thu, sử dụng quỹ, quản lý nguồn vốn nhàn rỗi, cơ chế xử lý khi quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết luật mới đã bổ sung khái niệm "ngưỡng nợ công", bên cạnh "trần nợ công" như trước đây để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần thì cần thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ - Bộ Tài chính, cho rằng khái niệm "ngưỡng nợ công" được bổ sung trong bối cảnh nợ công của Việt Nam hiện đã sát trần. Theo thông lệ quốc tế, trước khi nợ chạm trần thì các cơ quan quản lý đưa ra ngưỡng nợ để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cần thiết, như quản lý bội chi, việc cho vay lại, bảo lãnh vay… nhằm bảo đảm nợ không tiến đến sát trần.
Quản lý chặt nợ của địa phương
So với Luật Quản lý nợ công hiện hành, điều kiện được bảo lãnh Chính phủ theo luật mới cũng bị siết lại đối với từng nhóm đối tượng và đồng thời bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Đáng chú ý, việc quản lý nợ chính quyền địa phương cũng được quy định chặt chẽ thông qua xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.
Chuyên gia kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH:
Siết nợ công sẽ giảm thuế, phí
Nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không nên và không cần xếp vào nợ công. Bởi lẽ, liên quan đến việc quản lý của nhà nước với DNNN, quy định đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo DN cũng như bộ phận quản lý vốn nhà nước tại DN. Trách nhiệm tài chính thuộc về chủ sở hữu vốn là bộ chủ quản hoặc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tức là bộ chủ quản phải tìm kiếm nguồn tiền để thanh toán nợ và không được phép sử dụng ngân sách. Chưa kể, với việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, phần vốn nhà nước sắp tới đây sẽ thuộc ủy ban này và chịu trách nhiệm xử lý. Tóm lại, các khoản DNNN tự vay, tự trả không liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của nhà nước và không tính vào nợ công.
Về giải pháp quản lý nợ công, quy định tập trung quản lý vay nợ, phân bổ nợ vay và trả nợ về Bộ Tài chính, thay vì nhiều bộ như trước đây, tôi cho rằng rất hợp lý. Tuy nhiên, phải xem xét cải tổ Cục Quản lý nợ của Bộ Tài chính để có thể đảm nhiệm được việc này bởi nợ công của Việt Nam quy mô đã rất lớn, lên tới 100 tỉ USD. Chỉ một đơn vị cấp cục với bộ máy cũ thì sợ không cáng đáng nổi công việc.
Mục tiêu của chúng ta là kiên quyết không cho vay nợ mới, giảm tỉ lệ nợ trên GDP. Để làm được việc đó phải bố trí tìm nguồn đầu tư xưa nay do nợ công đảm đương. Nợ công bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi đã lên rất cao, nếu không quản lý tốt thì tỉ lệ trả nợ sẽ tăng lên, gây áp lực khiến các khoản chi khác bị co hẹp lại và buộc phải tăng thu lên qua thuế, phí để bù đắp.
Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH:
Phải tính nợ của DNNN vào nợ công
Trong giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng về nợ phải trả theo giá hiện hành, đạt xấp xỉ 15%/năm, trong khi tăng trưởng bình quân về tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế theo giá hiện hành chỉ là 10,1%/năm. Trong đó, nợ phải trả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng bình quân theo năm rất cao, tới 16,2%, khi mà tăng trưởng về giá trị tăng thêm bình quân năm của khu vực này chỉ khoảng trên 9,5%/năm. Khu vực DNNN tăng trưởng về nợ phải trả hơn 12% trong khi tăng trưởng về giá trị tăng thêm gần 10%. Khu vực FDI cũng trong tình trạng tương tự.
Quan niệm của tôi là bất cứ khoản nợ nào, dù có được xếp vào nợ công hay không thì nền kinh tế đều phải gánh. Bởi vậy, nợ tự vay, tự trả của DNNN không tính vào nợ công là chưa thỏa đáng. Bởi đối với DNNN, trừ một số DN 100% vốn nhà nước thì dù ít hay nhiều đều có phần đóng góp vốn của nhà nước. Khi DN vay nợ, tồn đọng nợ, khó khăn về trả nợ… đều ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến phần vốn nhà nước. Nợ của DNNN sẽ xử lý thế nào khi DN không có khả năng trả nợ nữa, không vận hành, không đóng thuế được nữa? Nếu DN phá sản, tức là một ngành nghề nhà nước góp vốn, một DN được nuôi dưỡng từ một phần vốn nhà nước sẽ chết.
Hiện tại, nợ của DNNN đã rất lớn rồi, lên đến 324 tỉ USD vào năm 2016, tương đương 158% GDP. Không thể nói nhà nước chỉ quản lý phần vốn của mình, còn phần bên ngoài không có trách nhiệm, khi mà phần vốn nhà nước hòa chung với vốn cổ phần hóa để cùng vận hành DN, cùng đóng góp vào phát triển hoặc cùng gánh nghĩa vụ nợ.
Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ:
Cần tăng trách nhiệm giải trình
Nợ công tăng cao là do mô hình tăng trưởng của chúng ta đã lạc hậu, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, tăng trưởng chậm dẫn đến buộc lòng lại phải đầu tư thêm. Siết được tốc độ tăng của nợ công là phải giải quyết được căn nguyên này.
Về việc tính hay không tính nợ của DNNN vào nợ công, hiện có nhiều ý kiến cho rằng không nên. Tôi thấy tách nợ của DNNN ra sẽ bảo đảm nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của DN, tạo sự bình đẳng với các DN khác trong nền kinh tế thị trường, cũng như hạn chế tính ỷ lại vào Chính phủ. Có hơn 40 quốc gia trên thế giới không tính nợ của DNNN vào phạm vi nợ công. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng tiền của nhà nước vẫn là một phần trong DN nên tuy không đưa nợ tự vay, tự trả của khối này vào nợ công nhưng vẫn phải chú ý việc xử lý nợ, tránh trường hợp xấu.
Việc quản lý nợ, theo tôi, cần phải tăng trách nhiệm giải trình, phối hợp theo chức năng nhiệm vụ nhưng phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân.
PHƯƠNG NHUNG ghi
Người Lao động