MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng thoái vốn Nam Tân Uyên, cổ phiếu cao su Phước Hòa (PHR) tăng “phi mã” trong những tháng đầu năm

Phước Hòa hiện sở hữu 32,85% cổ phần NTC tương đương 5,26 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch, Phước Hòa sẽ thoái hết vốn trong năm 2019 và hiện đang trong quá trình chờ văn bản của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG).

Năm 2018, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã CK: PHR) ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.561 tỷ đồng, giảm 5,6% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng mạnh 91% lên 621,7 tỷ đồng.

Việc doanh thu Phước Hòa sụt giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu đến từ việc công ty ghi nhận lợi nhuận thanh lý cao su đạt 425 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước.

Trong khi đó, hoạt động lõi của Phước Hòa là bán mủ cao su lại không thực sự hiệu quả khi ghi nhận doanh thu 1.044 tỷ đồng (giảm 13%), biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ mức 14,1% xuống còn 8,5%. Điều này xuất phát từ việc giá cao su trong năm 2018 sụt giảm mạnh. Giá bán cao su bình quân năm 2018 của Phước Hòa chỉ là 32,97 triệu đồng/tấn, giảm 18,24%, trong khi giá vốn cao su lên tới 30,3 triệu đồng/tấn.

Kỳ vọng thoái vốn Nam Tân Uyên, cổ phiếu cao su Phước Hòa (PHR) tăng “phi mã” trong những tháng đầu năm - Ảnh 1.

Theo ước tính của CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong năm 2019, hoạt động kinh doanh mủ cao su của Phước Hòa tiếp tục không thực sự khả quan với doanh thu chỉ là 970 tỷ đồng (giảm 7%), trong khi biên lợi nhuận gộp tiếp tục rơi xuống mức 7,6%.

Dù vậy, diễn biến cổ phiếu PHR trên thị trường chứng khoán vẫn hết sức khả quan. Kết thúc phiên giao dịch 6/3, thị giá PHR đạt 45.700 đồng/cp, đây cũng là vùng giá cao nhất của cổ phiếu kể từ khi niêm yết (tính theo giá điều chỉnh). So với thời điểm đầu năm, PHR đã tăng 37% và là một trong những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất thị trường.

Kỳ vọng thoái vốn Nam Tân Uyên, cổ phiếu cao su Phước Hòa (PHR) tăng “phi mã” trong những tháng đầu năm - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu PHR thời gian gần đây

Cổ phiếu PHR tăng mạnh từ đầu năm tới nay bên cạnh yếu tố thị trường chung thuận lợi còn có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về lợi nhuận bất thường được ghi nhận trong năm nay.

Tiếp tục thanh lý vườn cây cao su, thu về hàng trăm tỷ đồng

Trong năm 2018, Phước Hòa đã ghi nhận doanh thu thanh lý vườn cao su 425 tỷ đồng (+112% yoy), tương đương 1.300 ha cao su thanh lý.

Theo đánh giá của CTCK BSC, hiện nay giá thanh lý gỗ cao su đã bình ổn ở mức 300 triệu đồng/ha. Điều nay được kỳ vọng sẽ giúp Phước Hòa ghi nhận doanh thu khoảng 390 tỷ đồng trong năm 2019 (thanh lý hơn 1.000 ha), lợi nhuận dự kiến 351 tỷ đồng (biên lợi nhuận gỗ thanh lý = 90%).

BSC cũng lưu ý, Phước Hòa hiện vẫn còn khoảng hơn 4.000 ha gỗ già và sẽ tiếp tục thanh lý trung bình mỗi năm 1.000 ha cho đến năm 2022 giúp đảm bảo khoản thu nhập này trong ít nhất 2-3 năm tới.

Kỳ vọng từ thoái vốn Nam Tân Uyên (NTC) và giao đất cho NTC, VSIP từ năm 2019

Phước Hòa hiện sở hữu 32,85% cổ phần NTC tương đương 5,26 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch, Phước Hòa sẽ thoái hết vốn trong năm 2019 và hiện đang trong quá trình chờ văn bản của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG).

BSC ước tính Phước Hòa sẽ ghi nhận lợi nhuân tài chính khoảng 546 tỷ đồng với giá cổ phiếu NTC ngày 04/03/2019 (104.000 đồng/cp).

Kỳ vọng thoái vốn Nam Tân Uyên, cổ phiếu cao su Phước Hòa (PHR) tăng “phi mã” trong những tháng đầu năm - Ảnh 3.

Cổ phiếu NTC cũng tăng "phi mã" thời gian gần đây

Về việc bàn giao đất NTC (355ha) và VSIP (691ha), Chính phủ đã có công văn phê duyệt dự án mở rộng khu Nam Tân Uyên 3. Do đó, BSC cho rằng, NTC sẽ bắt đầu nhận bàn giao đất từ Phước Hòa trong năm 2019 với phương thức bàn giao từng phần. Kế hoạch doanh nghiệp sẽ bàn giao đất Khu công nghiệp NTC và VSIP bắt đầu vào 2019 với giá đền bù dự kiến 1,3 tỷ/ha (+30% so với giá dự kiến 2018).

BSC giả định Phước Hòa sẽ bàn giao 150 ha đất (NTC – 55ha, VSIP – 95ha) trong năm 2019, ghi nhận thu nhập khác 190-200 tỷ đồng từ việc đền bù đất.

BSC dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Phước Hòa trong năm 2019 đạt 1.531,5 tỷ đồng (-2% yoy) và 1.189,2 tỷ đồng (+91% yoy) tương đương EPS đạt 8.644 đồng/cp (trừ quỹ khen thưởng phúc lợi) với giả định (1) giá cao su sẽ ở mức 33 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ ước đạt 29.400 tấn (2) giá gỗ cao su ở mức 300 triệu đồng/ha; (3) thu nhập khác từ việc thoái vốn và bàn giao đất cho NTC và VSIP ước đạt 746 tỷ đồng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên