Kỳ vọng thu 2 tỷ USD vì người Trung Quốc rất chuộng, giá tăng nóng, nhưng mặt hàng này đang rơi vào "cái bẫy" đã được cảnh báo từ 1 năm trước?
Nội dung này đã được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mới đây.
Theo thông tin tại diễn đàn, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã và đang trở thành một ngành hàng giữ vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp ở các địa phương trồng sầu riêng nói riêng, với giá trị xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022). Tính đến tháng 8/2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.
Nhiều "cái bẫy" khi giá sầu riêng tăng nóng
Tuy nhiên, theo thông tin được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho biết, “sầu riêng” đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Thạch cho rằng, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã cảnh báo 1 năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”.
Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại bất cập trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, một số doanh nghiệp đặt cọc mua với người dân cách thời điểm thu hoạch 1 đến 2 tháng bằng cách kí hợp đồng mua bán theo quy cách và hợp đồng bán xô, số tiền đặt cọc đạt khoảng 30% giá trị theo sản lượng ước tại vườn.
Sau khi được phê duyệt mã số vùng trồng, một số hộ trong vùng trồng đã tự chốt giá với các doanh nghiệp khác ngay tại thời điểm cây sầu riêng bắt đầu ra hoa , nguyên nhân là do một số hộ nông dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...để chăm sóc cho vườn cây sầu riêng.
Ngoài ra, một số đối tượng môi giới còn vào tận vườn người dân chốt giá rất cao, từ 80.000 đến 90.000 đồng/1kg, mục đích nhằm gây nhiễu loạn thị trường.
Tại diễn đàn, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa cũng chia sẻ, việc tăng giá sầu riêng quá nóng tại thị trường Trung Quốc gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu , theo đó, doanh nghiệp hy vọng các Cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng, đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây Sầu riêng cho tất cả bà con nông dân, ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua.
Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cũng nêu thực trạng về loạn giá, bẻ cọc làm gãy mối liên kết ngành hàng sầu riêng và những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các hợp tác xã, người nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm, một trong những khó khăn lớn là của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mua sản phẩm từ nông dân hoặc hợp tác xã, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường cũng như phát triển và tăng cường giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã - nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết.
Cần sự chung sức của nông dân, doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk kêu gọi, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng sầu riêng cần chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Nhằm giúp ngành hàng sầu riêng Việt Nam phát triển bền vững, đại biểu, đại diện các Cục, Vụ, Trung tâm tham dự diễn đàn sẽ phổ biến rộng rãi các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các quy định về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất và các quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm sẽ được ban hành trong Nghị định Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành tới đây.
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những hành động cụ thể, quyết liệt để bảo vệ, phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trồng sầu riêng.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất tại Diễn đàn, trong đó có: Hoàn thiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025 tầm nhìn đến 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt; Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong các vụ sầu riêng đảm bảo cho người dân, chủ vườn nhận thức dược âm mưu, thủ đoạn, các vấn đề phức tạp liên quan đến mùa sầu riêng, phòng tránh việc tranh mua, tranh bán...
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; Phát huy tối đa vai trò của Hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiến thức cho nông dân, tạo cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, cơ quan nhà nước...
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, Cục sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT về việc mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân Ấn Độ, khuyến khích và đề nghị các nông dân và các chủ thể ngành sầu riêng tham gia vào các lớp đào tạo trực tuyến về tiêu chuẩn vùng trồng...theo đường link: https://training-platform.onli... , với chương trình đào tạo miễn phí.
Đồng thời, bà Hương cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện như: Xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; Cập nhật công khai thông tin, quy định các nước nhập khẩu trên website sẵn sàng xuất khẩu, chỉ đạo các đơn vị KDTV tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, CSĐG liên quan tới lô hàng, phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận KDTV cho các lô hàng không tuân thủ, Đẩy mạnh chuyển đổi số; Đầu tư xây dựng CSDL, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và CSĐG chính thức vào sử dụng; Chủ trì hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân được cấp MSVT, CSĐG xây dựng và hoàn thiện CSDL, phần mềm quản lý mã số xuất khẩu để kết nối với địa phương, các vùng trồng và CSĐG; Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương; Phối hợp các ngành xây dựng các liên kết chuỗi sản xuất – xuất khẩu...
Nhịp sống thị trường