Loại kim loại này sẽ rất quan trọng khi Việt Nam sản xuất bán dẫn
Kim loại này được sử dụng cực kỳ phổ biến trong sản xuất chip bán dẫn, bảng mạch in, CPU và điện thoại di động.
Theo báo cáo của Viện Bạc quốc tế, nhu cầu bạc trong lĩnh vực điện tử năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3% lên 382,2 triệu ounce, chiếm hơn 66% tổng nhu cầu công nghiệp. Trong đó, nhu cầu bạc trong sản xuất chip bán dẫn đang tăng trưởng nhanh chóng. Tiêu thụ bạc cho các công nghệ 5G như IoT và chất bán dẫn sẽ tăng 200% trong một thập kỷ tới, đạt 23 triệu ounce trong năm 2030.
Silver Institute - cơ quan giám sát thị trường kim loại bạc có trụ sở tại Mỹ - cho biết thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bạc và lưu ý rằng một trong những động lực chính khiến nhu cầu bạc tăng lên là các nhà sản xuất ô tô sử dụng ngày càng nhiều bạc cho thiết bị điện tử trong xe.
Việc áp dụng rộng rãi các công nghệ mạng internet 5G và nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cũng đang tác động đến nhu cầu tiêu thụ bạc.
Đứng trước cơ hội tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp này khi mối quan hệ Việt - Mỹ được củng cố, và các tập đoàn lớn của Mỹ, Hàn Quốc… đang đầu tư các dự án sản xuất chất bán dẫn hàng tỷ USD tại Việt Nam, nguyên liệu này sẽ là rất quan trọng.
Hiện nay, nguồn cung bạc của Việt Nam chủ yếu đến từ nhập khẩu.
Theo OEC, cơ quan thống kê xuất nhập khẩu các mặt hàng trên thế giới, vào năm 2021, những nhà xuất khẩu Bạc hàng đầu thế giới là Hong Kong Trung Quốc (5,39 tỷ USD), Trung Quốc đại lục (4,28 tỷ USD), Vương quốc Anh (2,97 tỷ USD), Mexico (2,8 tỷ USD) và Hoa Kỳ (2,63 tỷ USD), Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Trong khi đó, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu Bạc phần lớn từ Nhật Bản (40,9%), Hàn Quốc (27,5%), Trung Quốc (9% bao gồm đại lục, Hong Kong, Đài Bắc) Singapore (6,54%), Đức (5,23%).
Nhịp sống thị trường