Kỳ vọng từ thị trường khách Trung Quốc
Sự tăng trưởng dè dặt của thị trường khách Trung Quốc trong gần một năm qua khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lo lắng. Tuy nhiên, những người làm du lịch đặt nhiều kỳ vọng về sự phục hồi trở lại của thị trường trọng điểm này, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
- 12-12-2023Khách quốc tế đến Phú Quốc nhộn nhịp trở lại
- 23-11-2023Khách quốc tế đến Việt Nam tăng, thêm 'ngôi sao' mới
- 16-11-2023Chủ tịch tỉnh Kiên Giang: Khách quốc tế đến Phú Quốc 2023 tăng hơn 2 lần, sắp đón thêm 3 chuyến bay của khách Ấn Độ đến tổ chức đám cưới
Lượng Khách Trung Quốc phục hồi chậm
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nước này có hơn 40 triệu lượt khách xuất ngoại, bằng 23% so cùng kỳ năm 2019, riêng tháng 6/2023, lượng khách Trung Quốc đạt gần 42% so với cùng kỳ trước dịch. Người Trung Quốc xuất ngoại chủ yếu là doanh nhân, thăm thân, du học sinh, trong đó, gần 94% đến châu Á. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai gửi khách đến Việt Nam với hơn 557 nghìn lượt. Đến tháng 11/2023, Việt Nam đón 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Dù chiếm vị trí số 2, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn khiêm tốn, không đạt những chỉ tiêu đề ra. Nếu so sánh với thị trường khách Hàn Quốc, khách Trung chỉ bằng một nửa. Trong khi đó, Trung Quốc luôn là thị trường truyền thống, luôn đứng đầu và từng chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón tổng cộng có 5,8 triệu khách Trung Quốc. Giai đoạn 2015- 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng hơn 3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt khách. Trung Quốc mở cửa du lịch với Việt Nam từ ngày 15/3. Lượng khách ngay sau khi mở cửa có tăng nhưng sau đó chững lại, không có sự đột phá.
Tổng giám đốc cty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nhận định, thời gian qua, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam có khởi sắc, song tốc độ phục hồi chậm do khách Trung Quốc ưu tiên du lịch nội địa sau dịch COVID-19. “Kinh tế khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng khiến người dân Trung Quốc chưa có nhu cầu cao về du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Giá vé máy bay tăng mạnh là nguyên nhân khiến khách Trung Quốc sang Việt Nam chưa đông. Chính phủ cũng khuyến khích người dân du lịch nội địa để phục hồi kinh tế”, ông Đạt phân tích.
Sự cạnh tranh cũng gia tăng khi Thái Lan, Malaysia hay nền du lịch của các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều rất cần khách Trung Quốc. Họ đều tung ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn. Ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel cho biết, các hãng hàng không tại Trung Quốc mong muốn mở chuyến bay đến Việt Nam nhưng chưa thể vì còn một số vướng mắc.
Thời điểm trước dịch, các hãng hàng không của Trung Quốc có rất nhiều chuyến bay thẳng đến các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam, mang lại lượng lớn du khách cho Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều chuyến bay được nối lại khiến thời gian qua rất ít khách Trung đến Việt Nam. “Có thể còn vướng mắc ở chính sách nên việc đón khách Trung Quốc trong năm nay chưa được khả quan. Theo tôi được biết các hãng hàng không ở Trung Quốc đang thúc đẩy để nối lại những chuyến bay đến Việt Nam”, ông Phùng Xuân Khánh nêu.
Bừng sáng trở lại
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đến Việt Nam hôm 12/12 vừa qua mở ra những kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước. Các chuyên gia đưa ra dự báo tích cực về sự tăng trưởng ở thị trường khách Trung Quốc thời gian tới, đồng thời đề xuất giải pháp để thu hút khách Trung Quốc tới Việt Nam.
Ông Phùng Xuân Khánh khẳng định, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chắc chắn nhiều chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ thay đổi. “Với hơn 30 văn bản được ký kết, tôi mong muốn có những chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch giữa hai nước. Việc nới thị thực cho khách Việt Nam được thực hiện từ ngày 11/12 trước khi chuyến thăm bắt đầu”, ông Phùng Xuân Khánh nêu.
Dấu hiệu đầu tiên là một số đường bay thẳng từ Trung Quốc đến Việt Nam bắt đầu được nối lại, trong đó có đường bay từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đến Việt Nam bắt đầu hồi phục với những chuyến bay vào tháng 12.
Các chuyên gia dự đoán, thời gian tới khách Trung Quốc sẽ sang Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Mùa đông ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc thường rất lạnh, người dân cũng có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, tránh rét. Các điểm đến như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… chắc chắn trở thành lựa chọn được khách Trung Quốc ưu tiên.
Phân tích về hành vi du lịch, mua sắm của khách Trung Quốc tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay, trước dịch, các đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam chuộng ưu tiên mua sản phẩm du lịch địa phương như lụa tơ tằm, yến sào… Tuy nhiên, chuỗi liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch ở Việt Nam hiện nay chưa hồi phục. Vì vậy, du khách ít hưởng lợi về giá cả, dẫn đến thị trường du lịch kém nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, ngành du lịch cần tái định hình thị trường Trung Quốc, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. “Chúng ta có thể tập trung vào khách ở các thành phố lớn, khách hạng sang ở Thượng Hải, Bắc Kinh… Cần quan tâm mức chi tiêu của khách ở Việt Nam để tạo ra lợi nhuận cho ngành du lịch trong nước”, ông Đạt nói.
Các chiến dịch truyền thông, chủ động xúc tiến quảng bá cũng rất quan trọng. Ấn tượng về du lịch Việt Nam với điểm đến thân thiện, nhiều bãi biển đẹp, giá cả phải chăng cần được quảng bá mạnh mẽ tới du khách Trung Quốc. “Nên tổ chức sự kiện trình diễn, quảng cáo sản phẩm ở các thị trường trọng điểm, thông qua mạng xã hội Trung Quốc…”, ông Đạt đề xuất.
Theo kết quả điều tra khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.022 USD cho một chuyến đi, cao hơn một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Với mức chi tiêu này, nguồn thu từ khách Trung Quốc năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 32% tổng thu từ khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông báo về quyết định giảm 25% lệ phí xin thị thực (visa) Trung Quốc từ 11/12, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng du khách và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia. Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm 25% phí visa từ ngày 11/12/2023 đến 31/12/2024.
Tiền phong