MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng vào mối “lương duyên” FDI và doanh nghiệp nội

Sau 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, một thực trạng đã được chỉ ra là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Đây là hạn chế lớn phải có giải pháp khắc phục khi tính đến thu hút FDI thế hệ mới.

Có duyên, chưa có phận?

"Nhiều công ty nước ngoài sẽ không làm việc với nhà XK trong nước không tuân thủ luật thuế và hải quan của Việt Nam vì rủi ro thương mại và uy tín liên quan. Những tiêu chuẩn này đang đặt ra trở ngại lớn cho các DN Việt Nam, nhưng ngay cả các DN có cam kết tuân thủ các quy định trong nước cũng rất vất vả mới có thể tuân thủ".

Bà Orsolya Grove, Đại diện nhóm công tác Đầu tư và Thương mại (VBF)

Mới đây, lấy dẫn chứng để so sánh sự gắn kết trong mối quan hệ của DN FDI và DN trong nước, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dùng hình ảnh sau 30 năm quen biết thì "chàng trai" FDI và "cô gái" DN Việt vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ "tìm hiểu" mà chưa được "nên duyên". Trong khi đó, sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đã và đang trở thành quốc gia mạnh về XK. Đại diện VCCI cũng cho rằng, một trong những mục tiêu cần phấn đấu là có được cuộc hôn nhân giữa hai khu vực DN này và cùng nhau "sinh con đẻ cái", từ đó, giúp DN nội có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Trước đó, nhấn mạnh về sự cộng sinh yếu và dẫn chứng cho cái gọi là “có duyên mà chưa có phận” của DN FDI và DN nội, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trong các dự án FDI tại Việt Nam có quá ít liên doanh khi khoảng 80% DN FDI ở Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài. Tỷ lệ các DN tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho DN FDI rất hạn chế. Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016, chỉ có khoảng 14% DN tư nhân đang có khách hàng là các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp. Từ phía các DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác. Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn, mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Được biết, các chỉ số có liên quan trực tiếp tới vấn đề liên kết, việc chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và DN trong nước cũng cho thấy mối quan hệ này chưa được cải thiện, đang ở mức rất thấp. Theo đó, năng lực hấp thu công nghệ của Việt Nam mới xếp thứ 93, chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội xếp thứ 89, độ sâu của chuỗi giá trị tại Việt Nam xếp thứ 106, giáo dục đào tạo sau phổ thông xếp thứ 68. Việt Nam phải phấn đấu vươn đến các chỉ số trung bình khoảng 50 hoặc thấp hơn trong thời gian tới mới có thể cải thiện được mối liên kết này. Như vậy, trong bức tranh tổng thể về đầu tư FDI, liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước rõ ràng chưa có những gam màu tươi sáng như kỳ vọng.

Về vấn đề này, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng thực tế là đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các DN FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.

Chia sẻ thêm về kết quả hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc cho biết đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các DNVVN ngành chế tạo. Bản ghi nhớ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Hàn Quốc vào tháng 3 năm nay cũng nhấn mạnh vào sự hợp tác trong lĩnh vực này.

Coi trọng chính sách kết nối

Thời gian tới, khá nhiều thách thức đã và đang chờ đợi DN nội trong công cuộc thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI lớn.

Theo bà Orsolya Grove, Đại diện nhóm công tác Đầu tư và Thương mại (VBF), những thị trường toàn cầu chính dành cho các sản phẩm của Việt Nam có các luật và tiêu chuẩn có thể tạo ra những thách thức lớn cho các DN Việt Nam. Tại nhiều quốc gia, các bên mua thương mại áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt đối với nhà cung cấp về điều kiện lao động trong nhà máy, tác động của việc sản xuất lên môi trường và thậm chí về tuân thủ luật chống tham nhũng.

Từ những hạn chế dẫn tới sự kết nối thiếu chặt chẽ của DN FDI và DN trong nước, để mối quan hệ này là mối lương duyên và thực sự “đơm hoa kết trái”, đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên, nhiều ý kiến cho rằng, trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, cần coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của DN FDI còn hạn chế. Đồng thời, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ là yếu tố nền tảng cần tiếp tục được củng cố, từ đó tạo điều kiện cho DN nội đủ tiềm lực tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Liên quan tới việc hiện số DN FDI 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn số DN FDI, GS Nguyễn Mại đề xuất: Đối với một số dự án mà DN Việt Nam đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì khuyến khích thực hiện bằng hình thức “DN liên doanh” để thông qua quan hệ hợp tác cùng có lợi nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị DN, nâng cao trình độ lành nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cán bộ Việt Nam

Về phía các DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tăng cường sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Với các DN nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. “Đồng hành cùng với DN, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI một cách hiệu quả và dễ tiếp cận”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nền tảng nhà cung cấp trong nước mạnh là một tài sản cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư và là yếu tố quan trọng để duy trì đầu tư FDI cũng như cải thiện gia tăng giá trị trong nước. Xuất phát từ quan điểm này, để tăng cường liên kết từ đầu tư FDI, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng tỉ lệ nội địa hóa 100% làm mục tiêu của việc kết nối DN FDI ở Việt Nam hay chính sách nội địa hóa, mà thay vào đó một chính sách theo chuẩn thông lệ tốt. Theo đó, cần căn cứ vào thị trường và tìm cách hỗ trợ đầu tư FDI để tối đa hoá tính hiệu quả kinh tế của sản xuất trong nước với kịch bản đôi bên cùng có lợi, đồng thời làm rõ vai trò của Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương và các bên liên quan khác trong thực hiện chương trình kết nối DN FDI một cách toàn diện.

Theo Hoài Anh

Hải quan

Trở lên trên