MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng về hoạt động tái cơ cấu, cổ phiếu OGC lên mức cao nhất kể từ khi ông Hà Văn Thắm bị bắt

Bên cạnh hoạt động cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh táo bạo cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào OGC. Năm 2020 OGC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.009 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 206,6 tỷ đồng, tăng 64,6 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch đưa ra vào đầu năm.

Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường chung do ảnh hưởng của Covid-19, cổ phiếu OGC đã thu hút dòng tiền khá tốt và bứt phá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch 11/9, thị giá OGC đạt 6.580 đồng, tăng 29% so với đầu tháng và tăng 89% so với đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất của OGC kể từ cuối năm 2014, thời điểm cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt tới nay.

Kỳ vọng về hoạt động tái cơ cấu, cổ phiếu OGC lên mức cao nhất kể từ khi ông Hà Văn Thắm bị bắt - Ảnh 1.

Cổ phiếu OGC lên mức cao nhất 6 năm

Kỳ vọng về hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp

Đà tăng của OGC có thể đến từ kỳ vọng hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong lĩnh vực khách sạn, CTCP Khách sạn và Dịch vụ đại dương (OCH) đã thông qua việc đổi tên thành CTCP Khách sạn và dịch vụ OCH cùng bộ nhận diện thương hiệu mới. Tương tự, CTCP Kem Tràng Tiền cũng ra mắt bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới, được coi là bước "lột xác" sau hơn 6 thập kỷ thương hiệu này gắn bó với Thủ đô.

Tại ĐHCĐ mới đây, lãnh đạo OGC cho biết mặc dù mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng và đầu tư bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên lĩnh vực chế biến và sản xuất bánh kẹo, kem tại các đơn vị thành viên lại đạt được những kết quả tích cực.

Với các dự án BĐS và đầu tư, OGC cho biết sẽ thực hiện thoái vốn ở những dự án không hiệu quả như Công viên Hồ điều hòa… để tập trung vào các dự án trọng điểm Lega Fashion House tại Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án 25 Trần Khánh Dư – Hà Nội.

Trong đó, dự án Lega Fashion House có vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, từng được OGC chủ trương thoái vốn vào năm 2015 nhưng do chủ đầu tư chưa tìm được đối tác khác nên OGC đã đàm phán tiếp tục tham gia.

Dự án Tổ hợp tài chính thương mại và dịch vụ nhà ở ở Can Lộc – Hà Tĩnh đang thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác. Đối tác đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho OGC và 2 bên sẽ hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra OGC cho biết sẽ xem xét việc triển khai đầu tư mới, kinh doanh về lĩnh vực mua/bán thêm các cổ phần, cổ phiếu ở các Công ty khác nếu có cơ hội và hiệu quả trong hoạt động đầu tư cổ phần, cổ phiếu.

Về công tác thu hồi nợ, OGC đề xuất việc xóa nợ, bán nợ của một số đối tác nhằm cơ cấu nợ tốt hơn. Sau này nếu thu hồi được nợ thì số tiền sẽ được hạch toán vào lợi nhuận công ty. Trước đó trong năm 2019, công ty đã thực hiện xong việc cấn trừ thu hồi gần 8,7 triệu cổ phiếu OCH từ Mạnh Hà.

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng vượt trội trong năm 2020

Bên cạnh hoạt động cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh táo bạo cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào OGC. Năm 2020 OGC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.009 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 206,6 tỷ đồng, tăng 64,6 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch đưa ra vào đầu năm.

Trước đó năm 2019, OGC đạt 82,67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, cao nhất trong vòng 4 năm và gấp 5 lần kế hoạch đề ra. So với thực hiện trong năm trước thì kế hoạch lợi nhuận năm 2020 của OGC cao gấp 2,5 lần.

Báo cáo soát xét nửa đầu năm 2020 cho biết OGC đã thực hiện được 127,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 62% kế hoạch năm.

Dù vậy, cũng cần lưu ý kết quả sau soát xét của OGC đã giảm 111,15 tỷ đồng so với công bố trước đó do công ty phải trích lập bổ sung dự phòng đối với khoản công nợ phải thu hỗ trợ vốn sau khi đánh giá lại về việc bù trừ nghĩa vụ phải trả của Công ty cho đối tác trong các giao dịch khác.

Các khoản phải thu của OGC chiếm tới 37,98% tổng tổng tài sản của công ty trong đó có nhiều khoản nợ tồn đọng từ lâu. Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán cũng tập trung vào các vấn đề này như sau:

Tại ngày 30/06/2020, Công ty có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai một số dự án đầu tư đang được trình bày trên khoản mục "Phải thu ngắn khác", "Trả trước cho người bán ngắn hạn", "Trả trước cho người bán dài hạn" và "Tài sản thiếu chờ xử lý" với số tiền nợ gốc sau khi bù trừ với số dư phải trả và dự phòng đã trích lập như công ty trình bày tại thuyết minh với số tiền 196,73 tỷ đồng, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi.

Cũng tại ngày 30/06/2020, Công ty có các khoản cho vay, hỗ trợ vốn và các khoản phải thu về lãi vay, chi phí sử dụng vốn và các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán sau khi được công ty trích lập còn giá trị là 227,37 tỷ đồng, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên