Kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục bứt phá, chờ kỷ lục mới năm 2022
Dự báo năm 2022, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
- 31-01-2022Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ "cao tốc" EVFTA
- 24-01-2022Xuất khẩu 57,54 tỷ USD điện thoại và linh kiện Made-in-Vietnam
- 21-01-2022Dè dặt xuất khẩu vì cước container cao ngất
Năm 2021 ghi nhận xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước.
Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 69,7%, bao gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Bước sang năm 2022, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2022
Tiếp đà năm 2021, trong tháng đầu tiên của năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có những tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 1-2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới dự báo tăng trở lại mạnh mẽ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho ngành trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2022 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 42,5-43,5 tỉ USD; kiểm soát vào giữa năm đạt 40-41 tỉ USD và vào cuối năm sẽ đạt 38-39 tỉ USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5-2022. Theo ông Cẩm, tiến độ tiêm vắc-xin, kết quả phòng chống dịch và thích ứng trong điều kiện bình thường mới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2022, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhấn mạnh, từ bài học rút ra trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, Vinatex đã chủ động trong việc làm chủ nguyên liệu để phát triển bền vững khi những dự báo về dịch bệnh còn kéo dài.
"Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi - dệt - nhuộm - may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang"- ông Vương Đức Anh nói và cho biết, năm 2021, Vinatex đã đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài; Nhà máy Sợi 2, Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng. Đây là cơ sở để Vinatex chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhiều lĩnh vực sẵn sàng cho một năm xuất khẩu khởi sắc
Ngành da giày cũng hứa hẹn có nhiều cơ hội về xuất khẩu trong năm 2022. Riêng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 20,78 tỉ USD (tăng 4,6%). Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỉ USD.
Đối với ngành thép, năm 2021 đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 10 tỉ USD. Cụ thể, xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỉ USD. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2022 khi dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các FTA đã ký kết tiếp tục tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp thép mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.
Trong đó, cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỉ USD mỗi năm mà EU đang có. Về thị trường, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng năm 2022 được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen. Theo Bộ trưởng, xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm, xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các FTA sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Nhấn mạnh thêm về 15 FTA đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1-1-2022, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết các FTA đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các FTA.
Cùng với đó, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững; đồng thời, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2022, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Người lao động