MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là bà mẹ có con học mẫu giáo, tôi giận run người khi đọc tình tiết vụ việc bé mẫu giáo bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình

30-05-2024 - 10:00 AM | Sống

Có người từng nói 1 câu như thế này: Các trường học chưa bao giờ quên thu học phí nhưng có thể quên hoàn toàn sự tồn tại của một đứa trẻ.

Thông tin đứa trẻ 5 tuổi bị "bỏ quên" từ sáng 29/5 đến chiều tối cùng ngày trên xe đưa đón học sinh ở Thái Bình quẩn quanh, khiến một người làm mẹ như tôi không khỏi đau xót và bất giác nghĩ tới đứa con nhỏ bé đang nằm trong vòng tay mình.

Từ lúc đọc tin bé nguy kịch, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, chỉ mong có một phép màu. Nhưng cuối cùng, kết thúc có hậu đã không đến. Không thể tưởng tượng ra được, trong một ngày dài đằng đẵng cô độc trên chiếc xe đưa đón với mức nhiệt có thể lên tới 45 độ C, đứa trẻ bằng tuổi con tôi đã sợ hãi và tuyệt vọng đến thế nào...

Một học sinh vắng mặt, người phụ trách lớp chụp ảnh điểm danh gửi lên phần mềm của nhà trường, phát hiện ra nhưng không thông báo cho gia đình. Không thấy học sinh đến lớp, cũng không có tin nhắn hay đơn xin nghỉ học của phụ huynh, nhưng suốt một ngày dài, không ai hỏi han xem học sinh của mình liệu có vấn đề gì không, con chủ động nghỉ học hay có sự cố bất đắc dĩ nào khác? Vì sao thông tin liên quan đến một con người mà những người làm giáo dục lại cẩu thả, vô cảm đến như vậy?

Đứa trẻ đã 5 tuổi đầu, trong không gian nhỏ bé như một chiếc ô tô đưa đón 10 học sinh nhưng vẫn bị người ta bỏ quên. Sáng chào người thân đi học, có thể con vẫn háo hức cười nói, ôm hôn tạm biệt, đến khi trở về nhà, con đã thành cái xác lạnh ngắt. Lần chia tay bình thường như bao ngày ai ngờ trở thành phút giây vĩnh biệt. Ai thấu cho người làm cha mẹ, ông bà nỗi đau khủng khiếp này?

Quên học sinh trên xe đưa đón không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu. Còn nhớ 5 năm trước, thông tin bé trai 6 tuổi học trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt nhà trường cũng từng làm dư luận rúng động. Tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng bị mắc kẹt tương tự. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.

Hay mới năm ngoái, một học sinh trường tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị bỏ lại trên xe. Một sự vụ xảy ra, bao nhiêu trường học hô hào chấn chỉnh nữa, chấn chỉnh mãi, những lời hứa, kiến nghị, đề xuất lại được tung ra. Nhưng lời hứa như bị gió thổi bay, sợi dây kinh nghiệm rút hoài vẫn cứ dài ra mãi.

Đáng lẽ ra, cuộc đời của đứa trẻ kia không mãi mãi dừng lại ở tuổi lên 5, nếu những người có trách nhiệm đếm thêm 1 lượt học sinh lên xuống, bước lần nữa lên xe nhìn qua các hàng ghế hay dành vài giây gọi một cuộc điện thoại cho phụ huynh. Nhưng họ đã thờ ơ, bàng quan, để rồi gián tiếp cướp đi quyền sống của một đứa trẻ, biến một gia đình hạnh phúc thành tang thương và hàng triệu phụ huynh nơm nớp lo sợ vì con mình cũng đang đến trường hàng ngày bằng xe đưa đón.

Đứa trẻ với nhà trường chỉ là một trong những học sinh, nhưng với cha mẹ là tương lai, là lẽ sống. Phụ huynh gửi con đến trường là gửi cả cuộc đời của mình cho thầy cô. Họ có thể không mong con mình đạt thành tích này kia cao siêu, nhưng ít ra, cũng phải mang trả con khỏe mạnh, nguyên vẹn trở về.

Trường học dù quảng cáo xịn sò đến đâu, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình học tân tiến thế nào thì yếu tố con người vẫn là then chốt. Tiếp xúc, chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, ngoài chuyên môn còn là trách nhiệm, tình yêu thương. Nếu không vì yêu quý trẻ con và có khả năng chăm sóc chúng như con cháu của chính mình, xin đừng đảm nhận công việc giáo dục.

Những người liên quan đến vụ việc rồi sẽ chịu hình phạt xứng đáng. Nhưng trước một cuộc đời mất đi, mọi sự bù đắp, những lời giải thích, lý do đều vô nghĩa. Một đứa trẻ, nào phải một cái kẹo mà không nhìn thấy. Chỉ những người vô trách nhiệm, vô lương tâm mới để xảy ra thảm kịch này.

Theo Hiếu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên