Là hãng công nghệ, tại sao Microsoft đột ngột bổ nhiệm một chuyên gia để phát triển điện hạt nhân?
Các trung tâm dữ liệu đang ngày càng tiêu tốn nhiều điện năng hơn, đặc biệt là khi nhu cầu đối với các mô hình AI gia tăng đột biến trong thời gian gần đây.
- 11-01-2024Microsoft 'tiến thoái lưỡng nan' với phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc
- 28-12-2023Tờ New York Times kiện OpenAI, Microsoft
- 25-12-2023Chiến lược bán lẻ của Apple đã đánh bại Microsoft và Google như thế nào?
Trong một động thái táo bạo, Microsoft đã tuyển dụng bà Erin Henderson làm Giám đốc bộ phận Tăng tốc Phát triển Năng lượng hạt nhân (Nuclear Development Acceleration), để nghiên cứu và triển khai giải pháp năng lượng hạt nhân cho các trung tâm dữ liệu của mình.
Điều này không chỉ là một phần trong nỗ lực của Microsoft nhằm tìm kiếm các giải pháp năng lượng bền vững và hiệu quả về chi phí, mà còn phản ánh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong các trung tâm dữ liệu của công ty khi nhu cầu đối với AI tăng cao đột biến.
Trước đây bà Erin Henderson đã có gần 13 năm làm việc tại Cơ quan Tennessee Valley Authority, với chức vụ Tổng giám đốc các Dự án Chuyển đổi năng lượng. Bộ phận mới của bà tại Microsoft sẽ dẫn dắt các dự án nhằm triển khai chiến lược toàn cầu sử dụng các lò phản ứng cỡ nhỏ và dạng siêu nhỏ để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu.
Các trung tâm dữ liệu được xem là một trong những con quái vật ngốn điện năng khủng khiếp của thế giới công nghệ, khi tiêu thụ từ 1% đến 1,5% toàn bộ năng lượng toàn cầu. Chính vì vậy, Microsoft cùng nhiều hãng công nghệ khác đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của mình.
Tầm quan trọng của việc này càng được nhấn mạnh khi Microsoft đang đầu tư mạnh mẽ vào AI, thông qua quan hệ đối tác với OpenAI và đầu tư nhiều tỷ USD vào lĩnh vực này. Với sự phát triển nhanh chóng của AI và mô hình AI như ChatGPT, nhu cầu về năng lượng của các trung tâm dữ liệu ngày càng lớn. Phân tích cho thấy, việc đào tạo mô hình AI như GPT-3 đã phát thải hơn 550 tấn CO2, tiêu thụ 1.287 MWh điện năng, trong khi đó mô hình GPT-4 có số lượng tham số nhiều gấp hơn 500 lần so với GPT-3. Đồng thời, chi phí để vận hành các máy chủ ChatGPT có thể lên tới 700.000 USD mỗi ngày.
Lò phản ứng cỡ nhỏ SMRs (Small Modular Reactors) là giải pháp được Microsoft chọn lựa. Các lò phản ứng nhỏ gọn này có công suất lên đến 300 MW và yêu cầu nhiên liệu ít hơn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống. Hơn nữa, chúng có thể hoạt động liên tục từ 3 đến 7 năm mà không cần nạp nhiên liệu lại, so với chu kỳ 1 hoặc 2 năm của các nhà máy thông thường.
Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng hạt nhân cũng gặp phải một số thách thức. Vấn đề về chất thải phóng xạ và yêu cầu cung cấp uranium làm nhiên liệu cho các lò phản ứng này đang đặt ra những câu hỏi lớn về an toàn và bảo vệ môi trường.
Trước đó, báo cáo từ trang Data Center Dynamics cũng cho biết Microsoft đã dành 6 tháng hợp tác với Terra Praxis, một hãng tư vấn chuyển đổi các nhà máy điện than cũ sang nhà máy phát điện hạt nhân cỡ nhỏ. Hai hãng đã hợp tác phát triển một mô hình AI tạo sinh nhằm tăng tốc quá trình cấp phép và quản lý điện hạt nhân vốn tốn kém và kéo dài - một dấu hiệu cho thấy tham vọng hạt nhân của Microsoft.
Việc Microsoft tập trung vào việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các trung tâm dữ liệu không chỉ là một bước tiến về công nghệ, mà còn là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Đây là một dấu hiệu cho thấy Microsoft đang đi đầu trong việc áp dụng các giải pháp năng lượng sáng tạo và bền vững để hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của công nghệ AI và dịch vụ đám mây của hãng.
Đời sống & pháp luật