Lạ lùng giám đốc gần 70 tuổi 'không được' nghỉ hưu, lương 0 đồng
Hơn 10 năm qua, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân phải làm việc không lương, không bảo hiểm. Dù quá tuổi nghỉ hưu từ 7 năm nhưng giám đốc công ty này vẫn phải tại vị vì chờ công ty... giải thể.
- 03-12-2023Ác mộng nghỉ hưu của Jack Ma: Alibaba chính thức mất ngôi vua TMĐT, tình hình nghiêm trọng tới mức tỷ phú phải ra mặt kêu gọi 220.000 nhân viên 'sửa sai'
- 11-10-2023Người trẻ chưa 30 tuổi đã muốn nghỉ hưu, các tỷ phú 60-70 tuổi vẫn miệt mài làm việc: Nghe Shark Bình, Shark Việt, Shark Linh lý giải mới thấm!
- 21-05-2021CEO M Village Nguyễn Hải Ninh: "Thay vì ôm triệu đô để "nghỉ hưu" sớm, tôi tiếp tục lao vào khởi nghiệp, biết là liều đấy, ngông đấy, nhưng trong sự tính toán!"
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân (gọi tắt là Công ty Trà Tân ) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Do làm ăn thua lỗ, năm 2016 công ty buộc phải đóng cửa.
Thời điểm đó, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi tiến hành giải thể công ty theo quy định. Tuy nhiên, công ty còn khoản nợ hơn 2 tỷ đồng, phần lớn trong số này là nợ lương , bảo hiểm của cán bộ, nhân viên; do chưa thanh toán hết công nợ nên công ty không thể giải thể.
Trước tình hình của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị được chuyển từ hình thức giải thể sang phá sản để xử lý dứt điểm. Thế nhưng trong các văn bản hướng dẫn loại hình doanh nghiệp này chỉ có hình thức giải thể, không có hình thức phá sản.
Giải thể không được, phá sản không xong, trong lúc chờ hướng giải quyết, năm 2016 tỉnh Quảng Ngãi quyết định giữ lại 3 lao động chủ chốt gồm giám đốc, phó giám đốc (nghỉ hưu năm 2018) và một trưởng phòng nhằm giải quyết các thủ tục liên quan.
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Trà Tân - cho biết, do công ty làm ăn thua lỗ, sau đó đóng cửa mà không thể giải thể, phá sản nên nhiều cán bộ, nhân viên bị nợ lương. “Nếu đúng tuổi, thì tôi đã về hưu từ 7 năm trước, nhưng đến giờ gần 70 tuổi vẫn không được về hưu để hưởng chế độ”, ông Dũng than thở.
Theo ông Dũng, trên danh nghĩa ông và trưởng phòng vẫn làm việc, nhưng thực tế hai người làm việc không lương từ năm 2012 đến nay.
"Tuổi này hay đau ốm nhưng công ty nợ lương, nợ bảo hiểm chưa được giải quyết nên tôi không có các chế độ bảo hiểm như quy định, cũng không được về hưu", ông Dũng nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Hồng Dũng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Trà Tân - chia sẻ bản thân ông bị nợ lương, bảo hiểm xã hội gần 11 năm. Năm 2016, ông được giữ lại cùng ban giám đốc xử lý hồ sơ, giấy tờ của công ty. Từ đó đến nay, ông buộc phải bám trụ với công ty trên danh nghĩa trưởng phòng.
“Không chỉ không có lương, tôi cũng không có chế độ bảo hiểm y tế phòng lúc ốm đau. Bởi do công ty nợ bảo hiểm quá nhiều nên tôi cũng không thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện được. Tôi mong muốn tỉnh và các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng giải quyết dứt điểm vướng mắc của công ty, thanh toán đầy đủ các chế độ cho người lao động”, ông Hồng Dũng đề nghị.
Năm 2016, khoản nợ của Công ty Tràn Tân là hơn 2 tỷ đồng thì đến nay đã lên tới hơn 5,2 tỷ đồng, gồm: Nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 2 tỷ đồng; nợ tiền lương của cán bộ công nhân viên hơn 2,5 tỷ đồng; nợ tiền thuê đất gần 720 triệu đồng… Trong khi đó, vốn công ty chỉ còn gần 79 triệu đồng nhờ nhượng bán, thanh lý tài sản.
Mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để xử lý nợ mà Công ty Trà Tân mất khả năng thanh toán. Quảng Ngãi đề nghị Bộ này có văn bản hướng dẫn để tỉnh xử lý dứt điểm vướng mắc, thực hiện giải thể đối với Công ty Trà Tân.
Tiền phong