MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là trùm thế giới, Trung Quốc lại đang ồ ạt thu mua ‘vàng trên cây’ của Việt Nam: Trồng 1 lần cho thu hoạch hàng chục năm, thu về hàng trăm triệu USD

05-01-2024 - 06:08 AM | Thị trường

Đây là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 11 với mức tăng 372%.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 11 đạt 12.330 tấn với trị giá hơn 22,1 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với tháng 10/2023. Tính chung 11 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 106.323 tấn chè và thu về hơn 184 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Pakistan là thị trường lớn nhất của chè Việt với 37.387 tấn trong 11 tháng, thu về hơn 72 triệu USD và chiếm tỷ trọng 39% tính theo trị giá. Tuy nhiên, Việt Nam có một thị trường đặc biệt đang tăng mạnh nhập khẩu là Trung Quốc bởi đây là quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới.

Cụ thể trong tháng 11/2023, xuất khẩu chè sang Trung Quốc đạt 1.147 tấn và thu về hơn 1,7 triệu USD, tăng mạnh 372% về lượng và tăng 150% về trị giá so với tháng 10/2023. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu chè sang Trung Quốc thu về hơn 9,4 triệu USD với 36.680 tấn chè, tuy nhiên giảm 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt diện tích tăng nhanh nhất thế giới trong thế kỷ 21. Mặc dù diện tích trồng cây chè tại quốc gia này rất lớn tuy nhiên do các yếu tố như thời tiết, đất đai,...năng suất thu hoạch không cao trong khi nhu cầu từ thị trường nội địa lại rất lớn. Bởi vậy quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam.

Hiện nay, lượng tiêu thụ trà bình quân đầu người của Trung Quốc là 1,36 kg/người/năm. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, cơ cấu sản phẩm chè của Trung Quốc đang dần thay đổi. Tỷ trọng sản lượng trà xanh, trà ô long đang liên tục giảm, thay vào đó là hồng trà, bạch trà và hoàng trà lại có sản lượng tăng, phục vụ khách hàng cả trong nước và quốc tế.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia này sở hữu hơn 2.000.000 ha đất trồng chè, phân bố chủ yếu ở tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và tỉnh Hồ Nam. Những vùng này rất lý tưởng cho các trang trại trồng chè cao. Trồng và sản xuất chè ở Trung Quốc là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia tỷ dân này.

Còn tại Việt Nam, cả nước hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Trong khi tổng sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần.

Chè xanh là cây dài ngày, chỉ một lần trồng cho thu hoạch 30-40 năm nên được trồng ở nhiều nơi và được người dân rất ưa chuộng. Thời gian trồng chè ở miền Bắc tốt nhất là tháng 8 – 10 (mưa ngâu) cũng có thể trồng vào tháng 2 – 3 (mưa Xuân). Miền Nam trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 5 – 7.

Với lịch sử uống chè hơn 3.000 năm, sản xuất, tiêu thụ chè lớn nhất thế giới và nhập khẩu chè đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ cho loại nông sản này. Dự báo trong thời gian tới, quốc gia này vẫn sẽ là thị trường tiềm năng tăng nhập khẩu chè Việt Nam.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên