MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất âm - 'Kỳ quan kinh tế' hay 'di sản giảm phát' của Nhật Bản: Thu phí người gửi tiết kiệm suốt 17 năm, khiến Warren Buffett đặc biệt quan tâm phải rót tiền đầu tư

19-03-2024 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Tại sao Nhật Bản lại thích "đòi tiền" của người gửi tiết kiệm trong một thời gian dài đến 17 năm?

Nền kinh tế Nhật Bản đã gặp khủng hoảng thập niên 1990 với những bong bóng tài sản tan vỡ đã để lại hệ lụy giảm tốc suốt nhiều thập niên, kéo theo đó là rủi ro giảm phát khiến quốc gia này vài lần rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Để kích thích kinh tế, Nhật Bản đã phải áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm tiền ra thị trường và hạ lãi suất nhằm thúc đẩy kinh doanh, đầu tư hơn là gửi tiết kiệm.

Thậm chí từ năm 2016, chính quyền Tokyo còn áp dụng chính sách lãi suất âm nhằm giảm chi phí vay vốn để các doanh nghiệp tăng cường kinh doanh, đầu tư.

Chính vì khoản lãi suất âm này mà tỷ phú Warren Buffett đã dẫn đầu phong trào dòng vốn nước ngoài đổ vào Nhật Bản.

Vậy chính sách lãi suất âm là gì mà có sức hút đến vậy? Tại sao Nhật Bản lại chấm dứt nó sau 17 năm áp dụng?

Lãi suất âm - 'Kỳ quan kinh tế' hay 'di sản giảm phát' của Nhật Bản: Thu phí người gửi tiết kiệm suốt 17 năm, khiến Warren Buffett đặc biệt quan tâm phải rót tiền đầu tư- Ảnh 1.

Kỳ quan kinh tế?

Về lý thuyết, lãi suất âm có nghĩa là người gửi tiền thay vì được nhận lãi sẽ phải chi trả phí gửi cho các khoản tiền tiết kiệm. Mục đích chính của động thái này là thúc đẩy người dân rút tiền khỏi ngân hàng đem đi đầu tư, kinh doanh thay vì tiết kiệm.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ phải giảm lãi suất cho vay, khiến chi phí tín dụng dễ thở hơn cho doanh nghiệp để làm ăn.

Lãi suất âm về lý thuyết là điều kiện gần như hoàn hảo để các doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế thực hiện các khoản vay, khi họ gần như hoàn toàn không phải trả lãi suất cho các khoản vay của mình.

Trong một bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, thậm chí nguy cơ giảm phát vẫn rình rập tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới thì lãi suất âm gần như trở thành một giải pháp thời thượng được tất cả ngân hàng Trung ương hướng đến.

Tại Nhật Bản, Chính phủ hi vọng mức lãi suất âm sẽ kích thích người dân chi tiêu, đầu tư, vay vốn mua và xây dựng nhà, điều đã xảy từng xảy ra khi châu Âu áp dụng mức lãi suất âm.

Tuy nhiên khi áp dụng điều này tại Nhật Bản thì lại gặp phải một số vấn đề.

Di sản khủng hoảng

Đầu tiên, về lý thuyết các doanh nghiệp sẽ vay vốn dễ hơn với mức lãi suất thấp. Thế nhưng việc ngân hàng cho vay nhiều hơn với mức lãi suất thấp chẳng đem lại lợi ích gì về cho họ nên thay vì mở rộng, các tổ chức tài chính này lại thu hẹp quy mô và siết chặt phạm vi cho vay.

Điều này dẫn đến hệ lụy là lãi suất đi vay của doanh nghiệp, cá nhân không những giảm mà còn tăng, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng.

Tiếp đó, lãi suất âm khiến lợi nhuận ngân hàng xói mòn và giá cổ phiếu ngành nói riêng cũng như thị trường chứng khoán nói chung trì trệ. Mãi đến khi Warren Buffett bằng vào danh tiếng của mình để hưởng tín dụng vay thấp và đổ tiền vào đây thì chứng khoán Nhật Bản mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài và khởi sắc.

Lãi suất âm - 'Kỳ quan kinh tế' hay 'di sản giảm phát' của Nhật Bản: Thu phí người gửi tiết kiệm suốt 17 năm, khiến Warren Buffett đặc biệt quan tâm phải rót tiền đầu tư- Ảnh 2.

Thống đốc Kazuo Ueda của Ngân hàng trung ương Nhật Bản

Ngoài ra, lãi suất âm khiến đồng Yên mất giá, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xin được nhắc rằng Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên nên phải nhập khẩu phần lớn nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất.

Điều trớ trêu là Nhật Bản đang có một hệ thống thanh toán vô cùng phức tạp dẫn đến hệ lụy người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại sử dụng tiền giấy thay vì gửi tiền ngân hàng hay đem đi đầu tư.

Vào giữa những năm 1990, giao dịch tiền mặt ở nước này chỉ chiếm khoảng 10% GDP danh nghĩa. Tới năm 2013, con số này đã tăng lên mức 19%, đồng nghĩa với tỷ lệ tiêu dùng tiền mặt tại Nhật Bản nhiều gấp đôi so với các nước phát triển trên thế giới và gấp ba lần so với Mỹ

Nguyên nhân chính cho việc cất trữ tiền mặt tại nhà có lẽ là sự mất lòng tin vào các tổ chức tài chính, đặc biệt là kể từ sau Thế Chiến thứ II và cuộc khủng hoảng thập niên 1990.

Đặc biệt, Nhật Bản là nước có nhiều thiên tai nên tiền mặt vẫn là "vua" khi có thể sử dụng trong mọi tình huống khẩn cấp.

Thảm họa sóng thần năm 2011 là minh chứng rõ ràng nhất khi số lượng người Nhật Bản tìm mua két sắt tích trữ tiền mặt tăng mạnh. Theo nhiều ước tính, mỗi năm Nhật Bản có khoảng 350 tỷ USD tiền mặt bị cất trong các két an toàn.

Chính vì lý do này mà lãi suất âm khiến người Nhật cất tiền trong nhà hơn là đem đi kinh doanh.

Việc người dân tích trữ tiền mặt khổng lồ cùng văn hóa lao động trung thành nhưng tăng lương hạn chế của các doanh nghiệp càng khiến tình hình trở nên trớ trêu hơn.

Lãi suất âm - 'Kỳ quan kinh tế' hay 'di sản giảm phát' của Nhật Bản: Thu phí người gửi tiết kiệm suốt 17 năm, khiến Warren Buffett đặc biệt quan tâm phải rót tiền đầu tư- Ảnh 3.

Người lao động không có dư tiền bạc hay thời gian để chi tiêu, doanh nghiệp không có dám đầu tư vì chi phí tín dụng chẳng giảm, tạo nên một bóng ma suy thoái ám ảnh nền kinh tế Nhật Bản suốt nhiều năm.

Mặc dù chính quyền Tokyo nhận ra điều này nhưng họ cũng chẳng thể làm gì khác. Việc tăng lãi suất chỉ hút tiền về và làm giảm sức hút đầu tư hơn mà thôi. 

Mãi đến gần đây khi lạm phát gia tăng trở lại, doanh nghiệp tăng lương cho lao động, Warren Buffett dẫn đầu dòng vốn nước ngoài đổ vào Nhật Bản kích thích chứng khoán bùng nổ thì nền kinh tế này mới có cơ hội chuyển mình.

Bởi vậy khi Nhật Bản chính thức từ bỏ lãi suất âm, rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế này sẽ bước sang trang mới, qua đó tác động tích cực đến thị trường toàn cầu.

*Nguồn: Tổng hợp

Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên