Lãi suất âm sẽ “đầu độc” môi trường kinh doanh, gây thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế toàn cầu
Các nhà phân tích cảnh báo lãi suất bằng 0 hoặc âm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế trong thời gian dài. “Nghiện tiền rẻ” đã trở thành một vấn đề khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đi theo con đường lãi suất ngày càng thấp hơn.
- 17-10-2019Vòng luẩn quẩn của của sự trì trệ ở Trung Quốc: Kinh tế giảm tốc, ngân hàng thắt chặt cho vay, chính quyền địa phương không có tiền để đầu tư những dự án kích thích tăng trưởng
- 17-10-2019Masayoshi Son đang chứng minh cho cả thế giới thấy ông ‘liều’ cỡ nào: Mặc cho phố Wall quay lưng, Softbank quyết định rót tiếp 5 tỷ USD cho WeWork, số tiền lớn nhất từ trước tới nay
- 16-10-2019Đấu giá đồng tiền hiếm bậc nhất thế giới hơn 46 tỷ đồng
Phát biểu tại Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes tại Singapore hôm thứ Ba, ông Yuwa Hedrick-Wong, một học giả thỉnh giảng tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew cho biết, xu hướng của lãi suất bằng 0 là sai lầm, "đầu độc" môi trường kinh doanh, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế trong dài hạn.
Lãi suất thấp làm tổn thương lợi nhuận của người cho vay khi chúng thu hẹp biên độ lợi nhuận mà các ngân hàng có thể kiếm được. Trong một môi trường lãi suất âm, việc hạ lãi suất sâu hơn, về cơ bản, đồng nghĩa với việc những người cho vay đang trả nhiều tiền hơn cho ngân hàng trung ương để giữ tiền dư của họ qua đêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất xuống 0 hoặc thậm chí âm. Ông cũng "ca ngợi" Đức về lãi suất âm đối với trái phiếu chính phủ.
Các ngân hàng châu Âu đã phải vật lộn trong nhiều năm trong một môi trường lãi suất thấp liên tục - lần đầu tiên chạm 0 vào năm 2012 trước khi chuyển sang âm vào năm 2014. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đẩy lãi suất xuống dưới 0 trong tháng 9 và các nước khác như Đan Mạch, Thụy Điển và Nhật Bản cũng làm tương tự.
Theo ông Hedrick-Wong, cần phải đảo ngược quá trình này. Bình thường hóa lãi suất phải là ưu tiên hàng đầu trong việc quản lý nền kinh tế trong tương lai. Nghiện tiền giá rẻ là vấn đề, không phải là giải pháp.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lo ngại về sự tăng trưởng toàn cầu và sự bất ổn của căng thẳng thương mại và Brexit.
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa.
Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, nếu Brexit gây hỗn loạn, Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa. Hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0 là công cụ của chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế.
Vào tháng 7, Fed đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai vào tháng 9, hạ mức mục tiêu lãi suất qua đêm xuống phạm vi từ 1,75% xuống 2%. Nếu lãi suất âm xảy ra ở Mỹ, tất nhiên, sẽ là một cuộc suy thoái, theo ông Zandi.
Cuối cùng, chính sách tiền tệ có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng khi hầu hết các nền kinh tế lớn chủ yếu sử dụng nó như một công cụ. Thay vào đó, các chính phủ nên cân bằng hơn, bao gồm cả trong kích thích tài khóa, theo giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell.
Sự phụ thuộc vào lãi suất chính sách cực thấp hoặc âm khiến các hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và tác động không mấy tích cực đến tăng trưởng.