'Lãi suất có thể giảm thêm 0,5% trong quý 1/2021'
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định rất có thể trong quý 1/2021, lãi suất điều hành sẽ được điều chỉnh giảm thêm 0,5% để hỗ trợ nền kinh tế.
- 05-01-2021SSI Research: Lãi suất tiền gửi và cho vay thấp kỷ lục
- 05-01-2021Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng vì lãi suất thấp
- 03-01-2021Lãi suất sẽ tăng trở lại?
Trong một báo cáo mới đây, SSI cho rằng dù tín dụng tăng tốc trong tháng 12, thanh khoản các ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiền gửi hầu như không đổi, thậm chí một số nhà băng còn giảm 0,1 - 0,2%/năm lãi suất ở các kỳ hạn. Tổng thể, cả năm 2020, lãi suất tiền gửi đã giảm 1,5 - 3%/năm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất cho vay cũng giảm 0,5-2,5%/năm và "đều đang ở vùng thấp lịch sử".
Tuy nhiên, trao đổi với Nhadautu.vn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, lãi suất vẫn có thể giảm thêm 0,5% trong quý 1/2021 do dịch bệnh COVID-19 còn đang rất khó lường trên thế giới và nền kinh tế trong nước vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Cụ thể, trước nhận định cho rằng "lãi suất đang ở vùng thấp nhất lịch sử và đã tới đáy", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định không có gì đảm bảo lãi suất đang ở mức đáy vì nó còn tuỳ vào chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới.
"Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang rất cần sự hỗ trợ thì ước trong khoảng quý 1/2021 NHNN có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm khoảng 0,5%/năm. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định hạ lãi suất này như các thị trường chứng khoán và bất động sản đều đang hưởng lợi khi lãi suất xuống quá sâu. Điều này có thể tạo ra bong bóng tài sản nên cơ quan chức năng buộc phải cân nhắc về liều lượng và cách thức hạ lãi suất thế nào cho phù hợp", ông Hiếu nói.
Về tình hình lãi suất cả năm 2021, ông Hiếu cho rằng, sang tới quý 2 và nửa sau năm 2021 lãi suất có thể biến động tuỳ theo độ nóng của nền kinh tế và lạm phát.
Theo đó, lãi suất huy động thường bằng lạm phát cộng thêm 2%, sau đó cộng thêm 3% là bằng lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Năm 2020 lạm phát bình quân là 3,23% thì lãi suất huy động ở mức 5-6%, còn lãi suất cho vay là khoảng 8-9% là phù hợp. "Lạm phát cao thì khó có thể có lãi suất thấp được. Vì thế, lãi suất nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào lạm phát", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu dự báo, ít nhất trong quý 1/2021, lãi suất sẽ không tăng và có thể giảm thêm 0,5%/năm. Sang tới quý 2 thì cần xem nền kinh tế tăng trưởng tới đâu thì lãi suất có thể đứng yên hoặc giảm thêm đôi chút nếu nền kinh tế tiếp tục cần sự hỗ trợ. Trong nửa sau năm 2021 nếu Chính phủ đẩy lượng lớn tiền vào lưu thông thì nền kinh tế có thể bật tăng trở lại và lãi suất sẽ tăng theo sức nóng của nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần lưu ý.
"Dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm duy trì lãi suất cơ bản ổn định, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Có điều, cùng với đà hồi phục kinh tế, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ so với năm 2020", TS. Cấn Văn Lực nói.
Nhà đầu tư