Lãi suất đang diễn biến tích cực
Ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song theo các chuyên gia, động thái này là để tranh thủ thu hút nguồn vốn nhàn rỗi sau tết...
- 27-02-2019Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xem xét giảm lãi suất và tăng hạn mức tín dụng cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo
- 26-02-2019Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
- 26-02-2019Vốn ngân hàng sẵn sàng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, lãi suất chỉ từ 6%/năm
Đơn cử, từ ngày 12/2, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới ở một số chương trình khuyến mãi theo hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm mới kỳ hạn 12 tháng tại Eximbank này sẽ được hưởng lãi suất là 8,3%/năm, tăng 0,2% so với trước tết; lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng lên tới 7,65%/năm kèm quà tặng...
Thị trường tiền tệ vẫn ổn định, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào |
Tương tự, biểu lãi suất huy động mới nhất của Techcombank áp dụng từ 11/2 cũng có điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Tiết kiệm 6 tháng tại ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất 6,3%/năm thay vì mức 6% như trước đó. Các kỳ hạn khác tăng thêm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước; kỳ hạn 12 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,6%/năm, nếu khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên lãi suất là 7%/năm.
Ở nhóm này, VIB huy động với lãi suất cao nhất là 7,9%/năm kỳ hạn 18 tháng, với điều kiện số tiền gửi từ 100 triệu đồng và bằng hình thức tiết kiệm trực tuyến. Còn tại nhóm ngân hàng quy mô nhỏ như VietCapitalBank, SCB... lãi suất huy động ở mức 8-8,1%/năm. Tất nhiên, để hưởng lãi suất như vậy thì khách hàng phải đáp ứng nhiều điều kiện của ngân hàng về thời hạn, giá trị khoản tiền gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, một số thành viên lớn, chiếm thị phần huy động lớn trong hệ thống lại giảm hoặc duy trì lãi suất huy động thấp. Tại những thành viên này, mức lãi suất huy động VND cao nhất trên biểu niêm yết hiện chỉ từ 6,8-6,9%/năm. Cụ thể, ACB giảm nhẹ 0,1%/năm lãi suất huy động VND ở kỳ hạn 1 tháng, xuống 5,1%/năm. VietinBank giảm 0,3%/năm ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng, tuy nhiên điều chỉnh tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, lên 6,8%/năm. BIDV giảm lãi suất huy động VND ở kỳ hạn 5 tháng, từ 5,5%/năm xuống 5,2%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng có xu hướng giảm nhẹ. Điều đó cho thấy, thị trường tiền tệ vẫn ổn định, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào.
Một chuyên gia cho rằng, việc tăng – giảm lãi suất huy động tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng chứ không liên quan đến vấn đề thanh khoản. Bởi nếu liên quan đến thanh khoản ngân hàng có thể kéo theo làn sóng tăng lãi suất, chứ không phải diễn biến như hiện tại lãi suất huy động tăng – giảm đan xen.
Diễn biến lãi suất hiện tại được Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank nhận định, có thể do các NHTMCP tư nhân có cách giải ngân vốn cao hơn, đặc biệt khi họ có mối quan hệ liên kết với các dự án cần huy động vốn lớn hoặc họ cần vốn để trả nợ.
Ngoài ra, thông thường vào trước Tết Nguyên đán, một lượng tiền mặt lớn sẽ được các DN rút ra chi lương thưởng cho người lao động, còn người dân cũng rút tiền chi tiêu, mua sắm. Do đó, các ngân hàng phải cung ra một lượng tiền lớn cuối năm.
Sau tết, các ngân hàng phải đưa ra những chính sách hấp dẫn để hút nguồn tiền về. Bên cạnh đó, năm nay các TCTD còn phải cơ cấu lại nguồn vốn, nhằm bảo đảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40% theo quy định của NHNN. Vì vậy, việc tăng lãi suất, tăng khuyến mãi hút tiền gửi là điều tất yếu.
Tuy lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng sẽ vẫn giữ ổn định lãi suất đầu ra. Hiện tại, cuộc đua cạnh tranh khách hàng nhất là khách hàng tốt ngày càng gay gắt, nhất là các NHTM lớn đã thực hiện giảm lãi suất thì ngân hàng nhỏ cũng không dại gì tăng lãi suất để mất khách. Trên thực tế, nhiều nhà băng nhỏ cũng đã phát đi tín hiệu sẽ giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tổng giám đốc một NHTMCP quy mô nhỏ cho biết, đối với lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ giữ ổn định như hiện nay, cố gắng tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính trong giao dịch cho khách hàng. Nếu có điều kiện thuận lợi có thể giảm nhẹ đối với lĩnh vực Chính phủ, NHNN ưu tiên tập trung vốn chia sẻ, hỗ trợ thêm cho khách hàng. “Đối với khách hàng, điều quan trọng nhất là ngân hàng mang lại nhiều hay ít lợi ích cho họ chứ không chỉ đơn thuần giảm lãi suất nhiều hay ít”, vị này bày tỏ quan điểm.
Về phía cơ quan điều hành NHNN cũng khẳng định, tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thời báo ngân hàng