Lãi suất giảm, người dân vẫn “ùn ùn” gửi tiền vào ngân hàng
Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỉ đồng.
- 11-07-2023Cấm cho vay để gửi tiền là để chặn các nhà băng đem tiền ở liên ngân hàng sang gửi ở thị trường dân cư?
- 05-07-2023Vì sao lãi suất cho vay cao hơn, NHNN vẫn phải cấm các nhà băng cho khách vay vốn để gửi tiền?
- 03-07-2023Đầu tháng 7, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng ở ngân hàng nào có lãi cao nhất?
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5-2023 cho thấy tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh 8,21% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào. Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Về con số cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỉ đồng, cao hơn nhiều so với con số 5,74 triệu tỉ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỉ đồng.
Mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh thời gian qua, nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào ngân hàng
Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều người cho biết vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm với kỳ hạn chủ yếu từ 6 tháng trở lên cho khoản tiền nhàn rỗi, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không thật sự khởi sắc. Thị trường vàng ảm đạm; lãi suất USD đang áp dụng 0%/năm trong khi tỉ giá ổn định; thị trường bất động sản trầm lắng. Chỉ riêng thị trường chứng khoán tăng mạnh gần đây nhưng đòi hỏi nhà đầu tư có sự tìm hiểu kỹ, có kiến thức nhất định, nên không phải ai cũng sẵn sàng chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán…
Đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài từ 7-7,5%/năm đối với những ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất kỳ hạn dài chỉ còn 6-6,3%/năm.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng nay 24-7, một loạt ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã cùng điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống thấp nhất chỉ còn 3,3%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều so với trần quy định là 4,75%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Người lao động