Lãi suất giảm, sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất là tín hiệu tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không nới tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận với dòng vốn giá rẻ.
- 26-05-2023Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất, thị trường địa ốc sớm “tan băng”?
- 25-05-2023Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN?
- 25-05-2023NHNN ra yêu cầu gì cho các ngân hàng trong cuộc họp giảm lãi suất ngày 25/5?
Ngày 25/5, theo khảo sát của PV Tiền Phong, 4 ngân hàng Nhà nước nắm quyền chi phối lớn thì Agribank và Vietinbank cùng điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,1% xuống 4,6%/năm; BIDV điều chỉnh giảm từ 5,1% xuống còn 5,0%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,2% xuống còn 6,9%/năm.
Còn các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Ví dụ ngân hàng ACB giảm từ 4,8% xuống 4,1%/năm ở kỳ hạn 3 tháng. Bắc Á Bank giảm từ 5,5% xuống còn 4,9%/năm ở kỳ hạn này...
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, dù đây là lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao. Lãi suất điều hành hiện nay còn cao hơn mức lãi hồi tháng 9/2020 từ 0,5 - 1%. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn cao hơn 1%, lãi suất chiết khấu cao hơn 1% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với ngân hàng cao hơn 0,5%. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chịu lãi suất cho vay 13- 15%/năm từ các ngân hàng thương mại.
Ngày 25/5, NHNN tổ chức cuộc họp “kín” mời các tổng giám đốc ngân hàng thương mại. Thông tin về cuộc họp này lập tức thu hút sự chú ý của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất cho vay cao. Cụ thể, trong danh sách mời có 26 ngân hàng thương mại trên thị trường. Nội dung họp về việc triển khai việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng với khách hàng.
Giảm lãi suất đã trúng đích?
Ngay từ đầu tháng 5, nhiều ngân hàng thương mại công bố gói vay mới lãi suất rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ở mức 9-10%/năm. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay lãi suất này không dễ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Cty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, nhưng doanh nghiệp cần một lượng lớn vốn lưu động khi bước vào mùa vụ.
“Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng/ngày để thu mua lúa cho nông dân. Số tiền này chỉ có vay ngân hàng, nhưng đến nay doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn trong khi vụ thu hoạch sắp đến”, ông Bình cho hay.
Ông Tô Đăng Trung, Giám đốc Cty TNHH Cung Việt (Bình Dương) cho biết, hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Dù NHNN liên tục thông báo các chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp muốn vay phải đáp ứng nhiều điều kiện.
Ông Lê Văn Quang, Tổng GĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện tại, các nhà máy chế biến của doanh nghiệp rất khó khăn. Sản phẩm vừa không có đầu ra, vừa bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc phải giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá sản phẩm đến 50% nhưng càng giảm nhà nhập khẩu càng sợ vì không biết giá đã xuống đáy hay chưa.
Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo NHNN xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được, chưa nói đến việc người nuôi tôm và sản xuất tôm giống càng thấy vay vốn là vấn đề xa vời.
Theo các chuyên gia tài chính, việc không nới “room” tín dụng cho các ngân hàng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn rẻ, bởi nhiều ngân hàng đã hết “room” ngay từ quý 1/2023.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, rủi ro cho vay tăng cao nên các ngân hàng thận trọng cho vay. Dù 3 lần NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhưng chưa tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất. “Việc giảm lãi suất hiện nay không trúng đích. Để giải quyết vấn đề này phải cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô. Sức khỏe doanh nghiệp phải được cải thiện ngân hàng mới cho vay”, ông Hiếu nói.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay bình quân 9% - 10,7% là rất cao, làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đã đến lúc Việt Nam chuyển chiến lược tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang vốn rẻ để tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu và chiều rộng (mở rộng nhanh về số lượng).
Tiền phong