MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động tăng: “Kìm” lãi suất cho vay thế nào?

27-05-2022 - 14:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng đã tăng lên sau 2 năm liên tiếp giữ ở mức thấp. Lãi suất huy động tăng, các ngân hàng sẽ làm gì để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay?

Lãi suất huy động tăng ở một số ngân hàng

Lãi suất huy động hay chính là lãi suất người dân nhận được khi gửi tiết kiệm, đã bắt đầu tăng lên ở một số ngân hàng thương mại trong 2 tháng trở lại đây. Mức lãi cao nhất đã lên đến trên 7%/năm. Như vậy, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lãi suất tiền gửi đã tăng lên từ đầu năm nay khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mức 7% chỉ có ở một vài ngân hàng nhỏ.

Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đến cuối tháng 4 vừa qua, mức lãi suất huy động trung bình của hệ thống các ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng chỉ tăng 0,14 điểm % so với cuối năm ngoái, lên 4,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng tăng 0,11 điểm %, lên 5,66%/năm.

Với những ngân hàng có quy mô nhỏ trên 5.000 tỷ đồng, mức tăng trung bình cũng chỉ khoảng 0,23 điểm % cho các khoản tiền gửi 6 tháng.

Lãi suất tăng dòng tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng

Lãi suất huy động tăng: “Kìm” lãi suất cho vay thế nào? - Ảnh 1.

Để thu hút tiền gửi, các ngân hàng thường cộng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % khi gửi online so với gửi tại quầy. Ảnh minh họa.


Chính việc tăng lãi suất huy động và các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… bị chững lại thì dòng tiền đã quay nơi an toàn là ngân hàng.

Lãi suất ở các kỳ hạn ngắn ít biến động hơn, tăng chủ yếu ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, hiện dao động từ 5,6 - 7,3%/năm. Sự điều chỉnh này đã thu hút dòng tiền dịch chuyển sang các kỳ dài hạn nhiều hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư đến cuối tháng 3 đạt trên 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,28% so với cuối năm ngoái. Ngoài ra, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng hơn 3,89%, lên mức 5,86 triệu tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó giám đốc Khối Khách hàng cá nhân - Ngân hàng TMCP Á Châu ACB cho hay: "Mình vẫn tăng được huy động có kỳ hạn. Mình không cạnh tranh về giá, mà cạnh tranh về những phân khúc, về chính sách và chất lượng dịch vụ đi kèm".

"Tiền gửi tăng đảm bảo khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc tăng trưởng nguồn vốn của ngân hàng không chỉ phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng, mà còn phản ánh các tiện ích của dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, thu hút dòng tiền vào hệ thống ngân hàng", ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định.

Để thu hút tiền gửi, các ngân hàng thường cộng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % khi gửi online so với gửi tại quầy.

Ngân hàng chủ động tìm cách giảm lãi suất cho vay

Khi lãi suất huy động tăng, không ít ý kiến lo ngại về việc lãi suất cho vay ít nhiều sẽ chịu áp lực tăng theo. Bởi lãi suất huy động ước tính chiếm khoảng một nửa trong tổng chí phí vốn vay của các ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi trở lại, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ vốn.

Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành ngân hàng phải cố gắng giảm lãi vay thêm từ 0,5 - 1%/năm. Do đó, các ngân hàng sẽ phải chủ động tìm cách để ổn định mặt bằng lãi suất.

Để tránh gây áp lực với lãi suất cho vay, các ngân hàng cho biết họ phải cân đối mức tăng lãi đầu vào, chỉ ở những kỳ hạn cần thiết. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn chiếm 3/4 thị phần hiện vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, vì thế đợt tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng nhỏ được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới mặt bằng chung.

"Việc tăng tăng lãi suất huy động được chúng tôi tính toán rất kỹ để đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của khách hàng nhưng cũng không gây áp lực lãi suất cho vay đầu ra theo đúng định hướng của Chính phủ và cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp khách hàng là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ sớm phục hồi sản xuất kinh doanh vốn đã rất khó khăn trong 2 năm vừa qua", ông Nguyễn Khánh Phúc - Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân, Ngân hàng TMCP An Bình cho hay.

Lãi suất huy động tăng: “Kìm” lãi suất cho vay thế nào? - Ảnh 2.

Để tránh gây áp lực với lãi suất cho vay, các ngân hàng cho biết họ phải cân đối mức tăng lãi đầu vào, chỉ ở những kỳ hạn cần thiết. Ảnh minh họa.


Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh số hóa để thu hút tiền gửi không kỳ hạn Casa. Đây là khoản tiền để trong tài khoản thanh toán của người dân, có lãi suất thấp, chỉ khoảng 0,2%/năm, thấp hơn nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, sẽ làm giảm giá vốn trung bình của ngân hàng.

Bà Lê Hoàng Khánh An - Giám đốc tài chính, Ngân hàng VPBank cho hay: "Một số giải pháp để đảm bảo tối ưu hóa mức lãi suất, chi phí vốn của ngân hàng như chú trọng tăng trưởng casa, củng cố nguồn vốn từ thị trường quốc tế để giảm mặt bằng lãi suất".

"Yếu tố đầu vào cũng phục thuộc nhiều biến số khác như kỳ hạn vay và tiền gửi không kỳ hạn. Nếu cái đó mà nhiều, chi phí huy động vốn thấp, họ vẫn có thể giữ được lãi suất thấp để cho vay. Họ phải có lãi suất thấp mới có khả năng thu hút khách hàng lớn, khách hàng tốt", ông Nguyễn Đức Hùng Lĩnh - Giám đốc cấp cao SK Việt Nam cho hay.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, Nghị định 31 chính phủ mới ban hành về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cũng sẽ tạo sự lan tỏa giúp kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Lãi suất huy động tăng, tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng đã giúp đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Trong khoảng 10 ngày gần đây, lãi suất bình quân liên ngân hàng liên tục sụt giảm ở các kỳ hạn, từ 0,1 - 0,7%/năm.

Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 1,32%/năm. Doanh số giao dịch cũng giảm 22.000 tỷ đồng, cho thấy nhu cầu vay mượn lẫn nhau của các ngân hàng đã giảm, ngân hàng có đủ nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp.


Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên