Lãi suất ngân hàng tăng: Gỡ khó cho doanh nghiệp "khát vốn" thế nào?
Tăng lãi suất ngân hàng là điều cần thiết nhằm cân đối tỷ giá ổn định, đồng thời cũng bảo đảm được yêu cầu chống lạm phát như nhiều nước đang áp dụng, song cũng sẽ tác động khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định về nguồn vốn vay.
- 27-10-2022Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt lãi suất để kiểm soát lạm phát
- 27-10-2022Ngân hàng đua lãi suất, người gửi tiền... 'đau đầu'
- 27-10-2022Các ngân hàng đua nhau trưng biển lãi suất cao chót vót để hút khách gửi tiền
Từ ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 1%. Các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng loạt nâng trần lãi suất huy động, và rục rịch tăng lãi suất cho vay. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa áp dụng nâng lãi suất điều hành thêm 1%, điều này khiến người gửi tiết kiệm mừng, nhưng các doanh nghiệp đang "khát vốn" lại lo lắng, ông có phân tích gì về nội dung này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nếu dùng biện pháp bán ngoại tệ ra, cung ngoại tệ nhiều hơn để giữ tỷ giá thì chúng ta sẽ không thể đủ lượng ngoại tệ lớn như vậy để dự trữ. Trong trường hợp đó, buộc lòng phải nâng giá đồng tiền của mình lên, bằng cách tăng lãi suất. Như vậy, tăng lãi suất cũng là một điều cần thiết trong bối cảnh nhằm mục đích cân đối tỷ giá ổn định, đồng thời cũng bảo đảm được yêu cầu chống lạm phát như là các nước đang làm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết tác động rất là lớn của tăng lãi suất là làm cho nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp sẽ khó khăn. Các doanh nghiệp đang trong bối cảnh mới phục hồi, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao lại phải trả lãi suất vốn với mức lãi suất quá cao thì cũng có thể sẽ ảnh hưởng, tác động đến nguy cơ về đình trệ sản xuất.
Do vậy, việc tăng lãi suất là cần thiết để điều hành nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất, qua đó khắc phục được tác động thấp nhất từ biến động của đồng tiền trên thế giới, đó là điều mà các ngân hàng cần phải tính đến.
Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách trong 2 năm qua khi không thực hiện những biện pháp quá vội vàng, không “giật cục” để kịp thích ứng. Những biện pháp về điều hành tiền tệ cũng như vậy. Tôi hy vọng rằng sẽ không có những biện pháp mang tính chất “giật cục” để không tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế.
PV: Như ông vừa phân tích, hoạt động của các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, vậy để phục hồi nền kinh tế, cần có những giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp, thưa ông?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát tăng cao, Việt Nam là nước có quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều nước thì chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay chúng ta đang thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như vừa qua là các chính sách về giãn, hoãn các nghĩa vụ đóng thuế, đây cũng là biện pháp giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
Đặc biệt là hiện nay đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, trong đó có quy định dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên, các ngành hướng vào phục hồi. Tôi cho rằng đó cũng là những chính sách giúp doanh nghiệp có thể đỡ gánh nặng về việc tăng lãi suất.
PV: Để điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới khi lạm phát thế giới đang tăng cao, chúng ta cần thêm những giải pháp nào khác, thưa đại biểu?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tất cả những giải pháp nêu trên chính là để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó giải pháp rất quan trọng liên quan đến lạm phát và tỷ giá. Hai yếu tố này nếu không ổn định, lạm phát và tỷ giá tăng, đồng tiền mất giá thì chúng ta phải có biện pháp để giữ được giá đồng tiền và lạm phát ở mức ổn định.
Nếu để lạm phát tăng cao trong khi đồng tiền mất giá thì rõ ràng những nhà đầu tư sẽ không được hưởng lợi khi dòng tiền đầu tư mất giá trị, dẫn đến họ có thể không đầu tư nữa và sản xuất thu hẹp, từ đó sẽ ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng và phát triển, ổn định nền kinh tế.
Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng chúng ta phải nghĩ đến chuyện kiềm chế lạm phát và tỷ giá, từ đó có thể duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các cân đối khác sẽ được duy trì. Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay vẫn phải dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn các khoản thuế, hay cấp bù lãi suất.
Nhưng hiện nay cũng có điểm thuận lợi là chúng ta đang duy trì được mức nợ công khá thấp, khoảng 43-44% so với trần cho phép là 60%. Như vậy đang còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, tức sẽ không thu quá nhiều từ doanh nghiệp, và thậm chí có thể có thêm được phần tiền để hỗ trợ. Tôi cho rằng chính sách tài khóa vẫn là chính sách cốt yếu để điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô.
PV: Theo đại biểu, việc điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng nên áp dụng đến thời điểm nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rất khó để nói rằng liệu lãi suất có tăng lên nữa không hay bắt đầu hạ xuống, bởi hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ thị trường. Chúng ta không thể giữ giá đồng tiền của mình không biến động, trong khi cái đồng tiền khác tăng giá, cũng như không thể giữ tỷ giá không thay đổi, tức phải chấp nhận giá đồng tiền của Việt Nam có thể phải giảm xuống ở một chừng mực nhất định. Nhưng nếu tiền mất giá nhiều cũng dẫn đến ảnh hưởng các nhà đầu tư và người dân.
Ngoài ra, cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở mức nhất định trong bối cảnh thế giới lạm phát gia tăng để giữ cân bằng cho hoạt động xuất nhập khẩu, bởi nếu để lạm phát quá cao sẽ dẫn đến ảnh hưởng ngay đến đời sống, đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải căn cứ vào diễn biến của thị trường thế giới để từ đó điều hành các chính sách trong nước. Khi đồng tiền của các nước bắt đầu không tăng giá, lãi suất cũng được giữ ổn định thì khi đó chúng ta có thể bắt đầu giảm dần tỷ giá xuống. Hay khi cung cầu tiền tệ đã tương đối cân đối thì cũng không nhất thiết phải tăng lãi suất để thu hút quá nhiều dòng tiền nhàn rỗi, bởi tăng lãi suất hiện nay cũng có tác động 2 mặt.
Thứ nhất là sẽ hạn chế việc huy động tiền vốn vào những khu vực đầu tư mà không mang lại hiệu quả ngay, thí dụ như đầu cơ bất động sản hay vào những lĩnh vực “đầu tư chậm”. Nhưng tăng lãi suất cũng đồng thời với việc tăng lãi suất huy động, dẫn đến thu hút được tiền nhàn rỗi trong doanh nghiệp và người dân, qua đó giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Đó chính là biện pháp để giảm lạm phát.
Cho nên tăng lãi suất là một trong những biện pháp để chúng ta giữ cho lạm phát không tăng quá cao, nhưng nếu tăng mạnh lãi suất thì cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông./.
VOV