Lãi suất tăng: Bất động sản chịu tác động “kép”
Với những tác động không tốt tới nền kinh tế, NHNN phải bằng mọi giá giữ cho lãi suất cũng như chính sách tiền tệ ổn định, không để trở thành “cuộc đua” trên diện rộng.
Điều dễ nhận thấy, lãi suất tăng, sẽ là “mối nguy tiềm ẩn”, ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như dòng tiền đầu tư của các lĩnh vực kinh tế đặc biệt là lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Bởi lãi suất ngân hàng thấp sẽ giúp việc định giá cao hơn, sẽ khiến dòng tiền tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn. Vì thế, không nhà đầu tư nào trong lĩnh vực chứng khoán thích việc tăng lên của lãi suất.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng, DN càng vay nợ nhiều thì mức độ ảnh hưởng càng nhiều, chưa kể đến việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn là bài toán khó với nhiều DN. Tuy nhiên, với lĩnh vực BĐS, nếu lãi suất tăng lên trong thời gian tới, các DN BĐS cũng như người mua nhà đều gặp khó khăn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất lành cho biết, nếu tăng lãi suất, DN BĐS sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro nhất. Vì bản thân DN BĐS khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.
“Các DN sản xuất hàng hóa, dịch vụ thì chỉ chịu một lần thiệt hại của lãi suất tăng từ nguồn vốn vay, nhưng lĩnh vực BĐS còn có người mua nhà cũng đi vay, lãi suất tăng sẽ khiến họ không muốn vay vốn, không vay vốn thì họ sẽ không có tiền mua nhà, người dân giảm mua BĐS thì DN chịu thiệt. Nên nếu nói DN khác ảnh hưởng một lần, thì DN BĐS chịu ảnh hưởng tới hai lần”, ông Nguyễn Văn Đực trăn trở.
Không những thế, các chuyên gia còn cho rằng, BĐS của Việt Nam hiện nay đang có “mầm mống” bội thực dự án BĐS cao cấp, quá nhiều dự án được xây dựng và tung ra thị trường, nên nếu tăng lãi suất, khách hàng mua nhà sẽ chững lại, kéo theo hoạt động của nhiều DN BĐS phân khúc cũng phải chững lại.
“Điều này gây ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS, nguy cơ “vỡ trận” hay “đóng băng” có thể tái diễn, vì thực tế BĐS mới trải qua cơn “bạo bệnh”, đang trong thời gian “trị bệnh”, một số DN đã thoát khỏi khó khăn, nhưng đại đa số DN vẫn còn khó khăn. Như tại TP.HCM, có trên 500 dự án đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn khoảng 400-500 dự án “đắp chiếu”. Do đó, nếu tăng lãi suất thì ảnh hưởng đến cả dự án đang hồi sinh lẫn các dự án đang “chết lâm sàng”, ông Nguyễn Văn Đực nhận định.
Hiện nay, quy mô của ngành BĐS trên tổng giá trị nền kinh tế cả nước chiếm từ 10-20%, đây là con số đáng kể, nên nếu ngành này gặp khó khăn, tất sẽ kéo theo sự khó khăn chung của toàn ngành, trong đó lo ngại nhất chính là lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, ngành ngân hàng đang dồn nhiều nguồn lực cho các DN và dự án BĐS vay vốn, bởi lĩnh vực BĐS vẫn luôn là “miếng bánh” tín dụng hấp dẫn do có thị trường đông đảo, nhu cầu vốn lớn và là nguồn tín dụng có sẵn tài sản thế chấp…
Chính vì thế, đã không ít lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đưa ra cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng về việc kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, hạn chế cho vay trong các lĩnh vực chứa nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực BĐS. Hiện nay, hệ số quản trị rủi ro ngân hàng trong lĩnh vực BĐS đã được NHNN đẩy lên từ 150% lên 200%, điều này khiến các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để cho vay BĐS, chứ không thể duy trì vốn từ nguồn huy động để cho vay BĐS, nên quy mô cho vay BĐS được kỳ vọng sẽ thu hẹp lại và an toàn hơn.
Có thể thấy, với những tác động không tốt tới nền kinh tế, NHNN phải bằng mọi giá giữ cho lãi suất cũng như chính sách tiền tệ ổn định, không để trở thành “cuộc đua” trên diện rộng. Tuy nhiên, việc giữ như thế nào vẫn là một câu hỏi khó cho NHNN để đảm bảo giữ vững toàn bộ mục tiêu đã đề ra.