MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất, tỉ giá tăng: Doanh nghiệp phải làm gì để ngừa rủi ro?

27-10-2022 - 09:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất, tỉ giá tăng: Doanh nghiệp phải làm gì để ngừa rủi ro?

Trước biến động của lãi suất và tỉ giá, áp lực lạm phát lan rộng ở nhiều quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh tăng thêm 1% lãi suất điều hành. Ðồng thời nới biên độ giao dịch VND/USD thêm tăng từ 3 % lên 5%. Trước xu thế tăng lãi suất, tỉ giá khó cưỡng này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần hết sức bình tĩnh và lựa chọn giải pháp, tăng cường phòng ngừa rủi ro.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính
48 bài viết

Chủ động điều chỉnh

Từ ngày 25/10, NHNN đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Lãi suất tái cấp vốn cũng đã tăng từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng cũng tăng. Theo các chuyên gia trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng, động thái này là rất cần thiết để kiểm soát cung tiền, và là quyết định đúng đắn.

Cùng với đó, NHNN đã nới biên độ giao dịch VND/USD từ 3% lên 5%, khiến giá niêm yết bán ra mua vào ngoại tệ này trên thị trường đồng loạt tăng. Ngày 25/10, tỉ giá trung tâm ở mức 23.703 đồng/USD. Trong khi đó, tỉ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 24.870 đồng/USD. Đây là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tại ngân hàng thương mại, tỉ giá dao động quanh mức 24.575- 24.8858 đồng/USD. Tuy nhiên, cho đến ngày 26/10, sau khi nhà điều hành phát tín hiệu hạ giá bán USD, ngoài thị trường, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá mua - bán ngoại tệ này. Nhưng trái với diễn biến trên thị trường chính thức, giá bán USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, các đầu mối quy đổi ngoại tệ ở Hà Nội mua vào ở mức 25.140 đồng/USD và bán ra ở mức 25.280 đồng/USD.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, NHNN tăng lãi suất điều hành là đúng trong bối cảnh hiện tại. “Mỹ tăng lãi suất khiến giá USD tăng. Nếu Việt Nam không tăng lãi suất theo sẽ làm cho tỉ giá giãn ra. Khi chênh lệch này càng lớn, Việt Nam phải bán ngoại tệ để cân bằng ngoại hối hoặc phải công bố tỉ giá hối đoái lớn”, ông Nghĩa nói.

DN cần phòng tránh rủi ro nào?

Với việc tỉ giá tăng mạnh, các DN xuất nhập khẩu tiếp tục “bộn bề tâm trạng”. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, các DN xuất khẩu gạo đang rất phấn khởi vì sau khi Ấn Độ thông báo tạm dừng xuất khẩu, giá gạo tăng cao, nay nhờ tỉ giá tăng, các DN ngành gạo được hưởng lợi thêm lần nữa.

Theo ông Bình, các hợp đồng của DN đều được ký thanh toán bằng đồng USD nên chỉ riêng từ phần chênh tỉ giá, nguồn thu của DN đã tăng thêm khoảng 6-7%. Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 2.500 tỷ đồng, năm nay chắc sẽ lên 3.000 tỷ đồng. Riêng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 4 triệu USD, lên 40 triệu USD trong năm nay.

DN phải nhập khẩu hàng hóa đầu vào sản xuất và DN sản xuất trong nước đang phải chịu nhiều áp lực hơn. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh cho biết, đầu năm nay, công ty ký hợp đồng với đối tác ở Đức, nhập khẩu dây chuyền máy móc trị giá khoảng 75 - 80 tỷ đồng, hàng sẽ được giao lần lượt sau 8 tháng và 10 tháng. Đợt 1, công ty đã trả hơn 20 tỷ đồng, nay đợt 2 máy đã đóng thùng, chuẩn bị đưa lên tàu chở về Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm ký hợp đồng giá 1 USD chưa tới 23.000 đồng, nay vọt trên 24.700 đồng/USD khiến DN chưa làm gì đã lỗ.

Ông Lê Huy, chủ xưởng sản xuất rau củ quả sấy Bình Quy (huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, đã đặt mua lô máy móc sơ chế hoa quả của châu Âu từ nửa năm qua với giá hơn 10 tỷ đồng, lúc này 1 USD có giá 23.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay đồng USD đã tăng giá lên 24.870 đồng/USD, ông Huy phải bỏ thêm gần nửa tỷ đồng để nhận máy, đó là chưa kể khoản phát sinh từ lãi suất cho vay bằng USD của ngân hàng tăng từ 3,4%/năm lên 5,7%/năm.

“Chúng tôi mới nhập khẩu thêm máy móc thôi đã phải bội chi thêm số tiền không nhỏ do tỉ giá và lãi suất ngân hàng đều tăng. Nếu đà tăng tỉ giá chưa dừng lại sẽ ảnh hưởng đến giá nhập nguyên liệu, giá hàng hóa bán ra trên thị trường cũng sẽ tăng”, ông Huy nói.

Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó Tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột Quốc Tế (Intermix), phần lớn nguyên liệu để sản xuất bột các loại của công ty đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu. Với tình hình tỉ giá tăng cao như hiện nay, bà Trinh tính toán giá thành sản xuất ra các loại bột tại công ty sẽ tăng ít nhất 15%.

Lãi suất, tỉ giá tăng: Doanh nghiệp phải làm gì để ngừa rủi ro? - Ảnh 1.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Xây dựng Khang Gia (trụ sở tại Bình Dương) cho rằng, đặc trưng của DN xây dựng, xây lắp có giá trị hợp đồng lớn, thi công kéo dài, chịu chi phí lãi vay ngân hàng cao vì vốn đầu tư công trình lớn, quyết toán chậm. DN phải tính hiệu quả quay vòng vốn nhanh và phương án đầu tư phù hợp, nếu không khả năng thua lỗ là rất lớn.

“Lãi suất huy động có kỳ hạn chính thức được tăng thêm 1% khiến DN thêm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chúng tôi đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án, thay vì triển khai cùng lúc nhiều dự án như trước”, ông Bình cho biết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM nhìn nhận, khi sản xuất, các DN phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, việc giá USD tăng khiến chi phí tăng, doanh thu sẽ giảm. Nhiều DN dệt may vay ngoại tệ ở thời điểm giá USD rẻ, giờ tới kỳ trả nợ, giá USD tăng cao, dẫn tới DN phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỉ giá khá lớn.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất của Việt Nam. Việc nới biên độ giao dịch VND/USD là bước đi cần thiết, để Việt Nam chủ động phòng ngừa trước việc USD tăng giá.

TS Trần Nhật Cường, Giảng viên Trường Đại học Bình Dương cho rằng, DN cần rà soát dự án đầu tư, định hướng kinh doanh và cơ cấu lại nguồn vốn, giảm thiểu chi phí, tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết để vượt khó trong giai đoạn này.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, về nguyên tắc, số ngoại tệ thu được của DN (gồm DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài) sau khi xuất hàng hoá đều chuyển về Việt Nam. Việc DN bán ngoại tệ khi nào tuỳ thuộc lựa chọn của mỗi DN. Vòng quay kinh doanh khiến DN không thể giữ mãi USD, họ cũng cần bán để mua nguyên vật liệu sản xuất tiếp theo. Ông Nghĩa lưu ý DN có thể ký hợp đồng quyền chọn mua USD với NHNN vào tháng 12/2022 với tỉ giá khoảng 24.500 đồng/USD. Đến ngày thực hiện hợp đồng, DN có thể mua USD với giá thấp hơn. Theo ông Nghĩa, đa số các nhà xuất khẩu nước ngoài đều lựa chọn hợp đồng quyền chọn mua ngoại tệ, nhằm hạn chế tối đa rủi ro tỉ giá hối đoái.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, động thái tăng lãi suất của NHNN là bắt buộc, trong bối cảnh nhiều quốc gia đều hạn chế cung tiền. “Chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có tăng lãi suất. Dù vậy, việc NHNN tăng lãi suất thêm 1% cũng không quá ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động và NHNN sẽ có động thái can thiệp để giúp chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm đi. Nếu lãi suất cho vay có tang cũng sẽ ở khoảng 0,5%”, ông Thịnh nhận định.

Theo Q.Nga - D.Hưng- H.Chi - U.Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên